Cuồn cuộn dĩ vãng [Hồi 4]
Chắc hẳn ai cũng sẽ có một ký ức hằn sâu nhất trong tất cả các ký ức. Nó có thể là đau buồn hoặc là hạnh phúc, nhưng nhất định sẽ khiến chúng ta cả đời không quên được, ngay cả khi bạn già đi, trở nên mơ hồ với thực tại, thì những hình ảnh về ký ức đó vẫn còn sống động như vừa mới hôm qua. Tuy nhiên, tôi không bao giờ kể với ai về những ký ức đó, kể cả vợ của mình.
Vợ tôi là một người đàn bà hiền lành, thông minh và rất biết chiều lòng người. Cô mang một mái tóc dài màu hạt dẻ đến ngang lưng, khung mặt nhỏ nhắn, đôi mắt to và cặp môi hơi nhợt nhạt. Cô nói vì máu trong người cô rất xấu, cho nên các sắc tố trên da cũng bị ảnh hưởng theo. Cô có thói quen uống trà lạnh vào buổi sáng, mỗi khi ngủ dậy cô sẽ để sẵn nó ở trên bàn rồi chờ dùng bữa xong sẽ thưởng thức. Những ngón tay trắng xanh và gầy guộc của cô bao quanh thành tách khiến cho tách trà dường như trở nên xa vời và mang vẻ siêu thực. Tôi không chắc rằng tôi có yêu cô đủ nhiều hay không, nhưng tôi sẽ chết nếu một ngày nào đó thức dậy không thấy cô bên mình nữa. Có cô rồi, tôi rất sợ cô độc một mình.
Lại nói về những ký ức của tôi, đó là một loại bí mật bất khả xâm phạm, cũng là một cái giá mà tôi phải trả cho những sai lầm của mình. Giống như bị đeo bám, bị giày xéo, bị tra tấn…Mỗi đêm tôi đều ngủ không ngon vì ký ức ấy.
Trong buổi tối tôi nhắn tin cho Xuân, cô ấy không trả lời lại. Có thể là cô ấy đã đọc được, hoặc là không, tôi không biết nữa. Tôi đã hối hận ngay sau khi tin nhắn được gửi đi, bởi rõ ràng tôi biết trái tim mình không có tình cảm với cô. Tất cả lý do cho cái việc đó ấy chính là tôi muốn giết chết những hy vọng cuối cùng của nàng.
Có đôi lúc tôi muốn nói với nàng rằng nàng không hợp với nơi này. Nàng nói đúng, nàng phải ở làng Điềm, phải ở bên cạnh mộ của bố, phải trở thành con của một người đàn ông xa lạ khác chứ không phải bố tôi, không được có một người anh trai khác dòng máu. Nhưng tôi vẫn luôn giấu đi hết tất thảy điều đó. Bởi tôi biết nếu tôi nói ra, nàng sẽ sụp đổ. Cái phao của nàng ở nơi này là tôi, vì là tôi nên nàng thứ tha cho những ngang ngược của mẹ, nên nàng tạm quên đi cái sự tuyệt tình của mẹ nàng dành cho bố nàng.
Nàng muốn ở bên cạnh tôi.
Cuộc sống cứ như vậy mà tiếp diễn, Xuân không bao giờ trả lời tôi, không bao giờ trả lời về tin nhắn đó. Chúng tôi vẫn ngồi bên cạnh nhau mỗi ngày, nói những câu chuyện không đầu không cuối. Nhưng trong mắt Xuân hiện lên vẻ xa cách lạnh lùng.
Sau hè, Xuân cắt ngắn thêm mái tóc. Cô ấy cũng bắt đầu kẻ một đường đen nhỏ trên mí mắt, rất khéo léo làm cho đôi mắt của cô thêm phần rõ hơn. Có lẽ cô muốn tôi nhìn rõ được những cảm xúc của cô về tôi. Tôi không thất vọng, ngược lại còn thấy nhẹ nhõm, vì ít ra cô ấy không nhận lời. Tôi cũng không muốn nhắc về tin nhắn đó, tạm thời cất nó vào chiếc hộp kín của mình. Những chuyện xảy ra tối ngày hôm đó chỉ giống như một cơn say, hoặc chỉ là một suy tưởng của tôi. Có thể nó chẳng tồn tại.
Từ ngày quay lại với Hoà nàng không còn đến cổng trường đợi tôi nữa. Khi nàng mười bốn tuổi, cơ thể đã bắt đầu trổ ra mùi hương của thiếu nữ. Tôi luôn biết nàng sẽ già đi nhanh chóng, bởi những dục vọng trong nàng. Nàng như thứ quả non bị người ta tiêm hoá chất, bị ép phải trưởng thành quá sớm. Ngay từ khi đặt chân đến thị xã này, bước qua cửa nhà tôi nàng đã phải trưởng thành. Nàng là con bướm trong đêm, chập chờn với đôi cánh nhỏ của mình. Nàng cứ bay vô định, tìm một loài hoa nở vào thời khắc tăm tối, đến khi kiệt sức mà chết đi. Vòng đời của nàng ngắn ngủi bởi sự già đi nhanh chóng của nàng. Nhiều khi đứng đối diện nàng tôi cứ ngỡ trước mặt tôi là một người phụ nữ chứ không phải một đứa trẻ con mười bốn tuổi. Đó chính là sự kỳ khôi mà tôi từng nhắc đến.
“Hình như Nguyệt bị ốm, con giúp dì mua cho em bát cháo được không?” Khi thấy tôi vừa về nhà, mẹ kế nhẹ hỏi với vẻ rất rụt rè. Bà ít khi nhờ vả tôi gì đó nếu không phải là quá gấp gáp.
Tôi nói vâng, rồi cầm bát ra đầu ngõ mua một bát cháo thịt bằm. Con đường tuy ngắn nhưng tôi vẫn cố đi cho thật nhanh. Tôi sợ cháo sẽ nguội mất. Hồi bé, mỗi lần tôi bị ốm mẹ cũng thường mua cháo cho tôi và dịu dàng đút từng thìa một. Cả những lần ăn hoa quả, mẹ cũng sẽ cẩn thận gọt vỏ rồi cắm cái dĩa nhỏ lên từng miếng. Còn tôi sẽ ngồi đọc truyện hoặc xem tivi mà chẳng để ý đến điều đó.
Tất cả những đứa trẻ con đều vô tâm với tình yêu thương của cha mẹ. Chỉ đến khi chúng mất đi những điều đó chúng mới nhận ra được rằng bản thân đã hoang phí như thế nào.
“Cảm ơn con.” Mẹ kế nói với tôi. Bà vẫn còn ngại tôi nhiều lắm, những lời nói dành cho tôi đều rất khách sáo. Vì khi là mẹ của tôi, bà biết tôi đã không phải một đứa trẻ con dễ lừa nữa. Bà chỉ có thể dùng vẻ hiền dịu và đáng thương đó để được tôi chấp nhận.
Tôi không nhớ cảm giác lần đầu tiên gặp mẹ kế như thế nào nữa, không phải là cái hôm tôi gặp nàng. Tôi đã thấy bố đưa mẹ kế về nhà dùng bữa trước đó khoảng hai tuần, nhưng tôi cố tình tránh bữa tối đó. Mẹ kế mặc một chiếc áo sơ mi đỏ và một chiếc quần vải ống loe màu đen quê kệch. Mái tóc dài, xơ rối chỉ được cặp bằng một chiếc kẹp ba lá. Trên cổ tay mẹ đeo một chiếc đồng hồ nhỏ mạ bạc, trên mặt đã xước xát hết cả.
Lúc ấy, mẹ kế chỉ hơn ba mươi một chút, da bà rất trắng, không giống với phụ nữ quê chút nào, tròng mắt màu nâu hổ phách rất tây và lông mày rậm. Lúc thấy tôi, bà lấy ra một gói bánh rồi bảo: “Cô ở quê không biết cháu thích gì nên…” Ngay cả cách tặng quà của bà cũng rất quê mùa. Cái sự quê mùa của bà không phải được sinh ra từ tập quán, từ vùng quê, mà được sinh ra từ sự nghèo khó cùng cái sự túng quẫn của số phận. Bà lấy một người chồng và đã định cả đời sẽ ở bên hầu hạ người đó, bà không muốn ăn diện, không muốn làm đẹp. Bà bỏ quên đi những điều mà đàn bà cần phải làm. Và sự quê kệch ghé đến bên đời bà lúc nào không hay, nó ngấm vào da thịt của bà, ngấm vào những thẩm mỹ và thế giới quan của bà. Tất cả chỉ là để phục vụ cho cái việc tước bỏ những gì tuyệt đẹp của bản thân mình.
Có lẽ vì vậy nên tôi chẳng mấy ấn tượng với lần đầu tiên gặp mẹ kế. Bà đã tự mình giấu đi hết tất thảy những đặc biệt của bà, như một nỗi khiếp sợ người ta sẽ chú ý đến mình.
Tôi đặt bát cháo xuống bên cạnh giường của Nguyệt, nhìn nàng một lúc. Nàng trùm chăn kín mít, chỉ để lộ những sợi tóc rối như rong biển. Tôi nói với mẹ kế rằng tôi sẽ đem cháo lên cho nàng, như vậy tôi sẽ hỏi được nàng vài câu mà không khiến nàng sinh ra mộng tưởng. Cái sự hèn yếu trong tôi biến tôi trở thành một kẻ dối trá, nhưng không thể nào cưỡng lại được điều đó.
“Mày có dậy ăn được không?”
Nàng giở tấm chăn ra, nhìn tôi rồi gật khẽ đầu.
“Mau ăn đi còn uống thuốc.” Tôi vừa nói vừa đặt vỉ thuốc xuống theo. “Để tao đi lấy nước.”
Khi trở lại phòng, tôi đã thấy nàng ngoan ngoãn múc từng thìa cháo nóng. Đôi mày nàng nhíu lại khổ sở, rõ ràng là đang chịu đựng cái vị tồi tệ của bát cháo đó khi tiếp xúc với đầu lưỡi đắng ngắt. Tôi không nghĩ rằng nàng lại ngoan ngoãn như vậy, điều đó làm cho tôi thấy bất ngờ.
Ăn xong bát cháo, nàng động đậy cái cằm nhỏ ý muốn nói hãy đưa cốc nước cho nàng. Tôi đã cầm nó trên tay nãy giờ, hơi ấm từ bàn tay tôi truyền qua cốc nước khiến nó ấm lên theo. Nàng bị cảm lạnh, dù đã sang thu nhưng trời vẫn còn oi nóng lắm, không hiểu sao nàng lại để mình cảm lạnh như vậy.
“Tí nữa anh chở em xuống biển chơi nhé?” Nàng uống thuốc xong, khản đặc nói.
Tôi nhíu mày: “Điên à? Ốm thế này đi đâu.”
Nàng chỉ vào cái bát trống: “Em đã làm hết những điều anh bảo rồi. Em chỉ muốn được ngắm biển thôi.”
“Vì cớ gì mà mày lại muốn thế?”
“Hồi ở Thái Bình, em hay được bố chở ra biển chơi. Dù biển cách xa nhà em nhiều lắm. Biển quê em không đẹp như ở đây, nhưng nó cũng khiến em thấy yên lòng.”
“Mày rách việc quá.”
Tôi chép miệng, cầm lấy cái bát cháo không và cốc nước ra cửa. Nàng vẫn nhìn theo chờ đợi. Không nhịn được tôi đành dừng lại, bực bội nói: “Chuẩn bị đi, đừng có lề mề đấy.”
Không cần nói cũng biết nàng đã vui như thế nào. Dù ốm những nàng vẫn cố dướn mình lên hít một hơi căng đầy gió biển. Tiếng cười của nàng lanh lảnh khi tìm được một cái vỏ ốc trên đường. Sau đó nàng ho một tràng rất dài. Tôi đập nhẹ lên lưng nàng để nàng thấy dễ chịu hơn, rồi giật mình nhận ra được sự gầy gò của nàng. Tôi nhớ lại hồi mình mười bốn tuổi mình là ai? Có lẽ cái đọng lại duy nhất chính là mẹ. Cũng giống như nàng mỗi khi nhớ biển sẽ có bố. Ký ức còn lại ở đó, thực tại thì đã khuyết thiếu đi rất nhiều. Đôi khi tôi có cảm giác mình như một con chó lạc chủ, cứ lang thang để tìm kiếm tình yêu từng có . Con chó ấy vẫn không hiểu tại sao chủ của mình lại biến mất. Rồi nó sẽ tự trách chính bản thân mình, nó nghĩ nó đã làm gì đó sai trái.
Nàng cười khẽ, kéo tôi bước lên đứng cạnh. Đôi mắt u uất của nàng vất lên bả vai của tôi, rồi nàng ghé mái đầu lên trên đó. Tôi không muốn phản đối, vì thấy nàng không được khoẻ. Chỉ hôm nay thôi, tôi sẽ không suy nghĩ gì cả. Không cần phải để ý đến những cử chỉ hay ánh mắt của nàng có ý nghĩa gì, chúng tôi vốn là anh em của nhau.
“Mày không được kể chuyện này với bố mẹ.” Tôi nhắc nhở.
“Em biết rồi.”
“Chỉ được ở đây chừng nửa tiếng thôi, sau đó tao đưa mày về nghỉ.”
Nàng gật khẽ, đôi môi nở một nụ cười mãn nguyện.
Chúng tôi đi dọc con đường Tình Yêu dưới bến Do. Con đường này bao quanh lấy biển, ngăn trở nó tràn tới. Tôi vừa dắt xe vừa đi rất nhanh, nàng chạy theo sau, không hề dừng lại một nhịp. Hương vị mặn mòi của biển theo gió tràn qua cánh mũi và đi thẳng vào phổi. Hàng cây phi lao khẽ đung đưa qua lại. Những cái chòi của dân chài ở xa xa như tách biệt với những ngôi biệt thự bên bờ biển. Nhà ở đây đều xây theo lối kiến trúc nửa Âu nửa Việt, nhà nào cũng có cổng lớn và sân rộng đủ. Những nhà kinh doanh sẽ chỉ để một mái hiên trống tiếp khách hoặc lấy chỗ đỗ xe.
Tôi nghe bố kể đất ở đây rất đắt, đắt nhất thị xã này. Nhà thằng Hoà cũng ở đây thì phải. Tôi không biết khi người ta có nhiều tiền thì cảm giác sẽ như thế nào, có phải là rất hạnh phúc không? Nếu như vậy sao thằng Hoà chưa một lần hạnh phúc?
Lúc nàng ốm, trông càng xanh xao hơn. Hai mắt nàng như lồi ra, có thể nhìn thấy được cả các mạch máu ngoằn ngoèo dưới da nữa. Tôi đi chậm lại một chút, nàng đuổi kịp và thở hổn hển nhưng không than vãn một lời nào. Có lẽ lúc đó nàng sợ, sợ rằng tôi sẽ bắt nàng phải về nhà. Mỗi khi nghĩ lại giây phút này, tôi đều thấy giận chính mình.
“Ngắm đủ chưa?” Tôi hỏi.
Nàng lắc đầu.
“Khi nào mày khoẻ thì để thằng Hoà đưa đến, nhà nó ở đây mà.”
Nàng nhìn tôi, nỗi vui trong đôi mắt chợt nhiên tắt ngấm. Rồi nàng bảo: “Em muốn anh đưa em đi. Anh không hiểu à? Biển mênh mông như vậy, có một người như bố ở bên khiến em thấy yên bình.”
“Tao muốn về nhà.” Tôi nói.
“Anh là thằng hèn.” Nàng đáp.
“Còn mày là con điên.”
“Anh định trốn tránh em đến bao giờ?”
“Đến khi nào mày hết điên thì thôi.”
Nàng nhìn tôi, đột nhiên rơi một giọt nước mắt nhưng rất nhanh sau đó, nàng đã lau nó đi. Và sự lạnh lùng cố hữu đã trở lại sau nhiều tháng ngày lặn mất. Từ đôi lông mày sắc lẹm cho đến cái miệng nhỏ nhắn và cái cằm kiêu kỳ ấy toát lên một vẻ quyết tâm.
“Vậy em hứa với anh, em không bao giờ nảy sinh tình cảm gì với anh cả.”
“Mày chắc chứ?”
“Em chắc, chúng ta là anh em, sao có thể khác được?!” Lời nàng hỏi tôi rõ ràng là một cử chỉ vạch ra ranh giới.
Từ mái hiên của căn biệt thự đối diện, những chùm hoa giấy khẽ đung đưa. Tôi và nàng đứng đối diện nhau, im lặng vĩnh cửu. Sự hoang tàn lan dần lên tuổi đời hai đứa, tôi có thể biết trước được rằng chúng tôi sẽ ở nơi đâu trong cuộc đời này. Những tinh cầu xa lạ và lạnh lẽo, chứa chất đầy nỗi đơn côi. Chúng tôi không tìm cách đi về phía nhau dù nhìn thấy nhau, dù là xung quanh trống hoác. Những đứa trẻ ương ngạnh thường giấu đi ý muốn vào trong lòng, lì lợm đấu tranh chẳng vì điều gì ngoài sợ người ta thấy cảm xúc yếu đuối của mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét