Cuồn cuộn dĩ vãng (Hồi 8)
Mẹ kế tôi có đi xem bói trước ngày thi đại học, trông bà có vẻ gì đó lấn cấn lắm, nhưng tôi không hỏi. Có thể ông thầy bói đã nói rằng tôi thi cử chẳng ra gì sất, hoặc có thể ông ấy nói đường công danh sự nghiệp của tôi sẽ tối tăm lắm đấy…Bất cứ điều gì xấu xa thì thầy bói đều sẽ cho bà biết, để bà còn làm lễ cúng bái.
Tôi đến gần bếp, đóng cánh tủ chạn để ngỏ rồi đứng đó mãi. Thật ra tôi biết được thực lực của mình đến đâu, cũng biết được số điểm của mình sẽ chẳng vẻ vang gì. Mục đích của tôi là rời khỏi nơi đây, cho nên tôi có thể vào một trường cao đẳng nhàng nhàng nào đó cũng được. Cái suy nghĩ về tương lai với tôi lúc ấy còn xa vời lắm, những tưởng rằng cuộc đời cứ ảm đạm kết thúc như vậy thôi.
Tháng tám, trời mưa nhiều hơn, cơn bão số ba trong năm bắt đầu tràn về. Vì là gần biển nên thị xã chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn những tỉnh thành nằm sâu trong đất liền khác. Tôi và bố ra chợ mua một đoạn dây thép, gia cố lại đoạn tường rào sắt đã han gỉ, số dây còn thừa thì dùng cho cây trứng gà mới chỉ cao đến ngực. Bố tỉ mẩn xoắn từng sợi dây, buộc qua các cành và nối vào những chiếc đinh được đóng chặt xuống đất.
“Lần này bão sẽ lớn lắm đấy.” Bố nói. “Đoàn tàu cá ngoài biển không biết đã vào bờ kịp chưa?”
Bố có một vài người bạn là ngư dân, thi thoảng họ có gọi ông xuống bè để ăn nhậu và cho một vài con cá đánh bắt được.
Nói xong ông đứng dậy rồi đi vào nhà. Tuyệt nhiên, ông chưa từng hỏi tôi về việc chuẩn bị cho thi cử thế nào. Cho dù trước đó ông rất quan tâm đến chuyện học hành của tôi. Tôi đồ rằng ông đang lo lắng, có thể ông biết tôi sẽ không làm ông nở mày nở mặt được.
“Anh Mạnh vào ăn cơm đi.” Nàng mặc một chiếc váy hoa, tóc xoã, đứng ở cửa gọi tôi.
Nàng cũng đang phải chạy nước rút cho kỳ thi lớp mười sắp tới, hai mắt trũng sâu vì thức đêm ôn thi. Nếu nói về học hành, thì nàng có lẽ học nhỉnh hơn tôi, và chăm chỉ hơn tôi, cho dù tính khí của nàng hơi lập dị và ngang ngược.
“Cứ vào đi.” Tôi đáp.
Trong bữa cơm, mẹ kế thi thoảng lại nhìn tôi mà chẳng nói gì cả. Điều ấy khiến tôi tò mò hơn về những điều mà gã thầy bói đó nói.
“Nếu con không đủ điểm vào đại học…”
“Thì ở nhà, học nghề rồi đi làm.” Bố tôi cắt lời.
Nhưng tôi vẫn nói tiếp: “Thì con sẽ vào Cao đẳng. Con biết một trường phù hợp với mình ở Thường Tín, Hà Tây cũ.”
“Không Cao đẳng cao điếc gì cả, tao chỉ có tiền cho mày đi học đại học thôi. Học Cao đẳng ra xin vào đâu được?” Bố tôi vẫn kiên quyết lắm, ông chẳng bao giờ đồng ý với bất cứ quyết định nào của tôi cả.
“Con đã mười tám tuổi rồi, còn được phép quyết định tương lai cho mình.”
“Tương lai?” Bố cười nhạt, ông đặt bát cơm xuống nhìn tôi đầy thách thức: “Chừng nào mày còn sống bằng tiền của tao thì phải nghe tao.”
“Vậy con không cần tiền của bố nữa, con tự kiếm được tiền rồi.”
Bố tôi trợn mắt hỏi: “Mày đi ăn cắp ở đâu?”
“Con đi làm thêm ở quán bánh, con tiết kiệm được một chút đủ để đi tàu xe và lo ăn ngủ thời gian đầu trên đó. Con sẽ tự kiếm tiền để đi học.”
Mẹ kế ho nhẹ như thể hạ nhiệt không khí căng thẳng này lại, nàng cũng không nói gì cả, chỉ vội vàng rời khỏi chỗ để đi gọt hoa quả. Tôi biết bố tôi sẽ bất ngờ vì sự cự tuyệt của tôi với ông, nhưng để thoát khỏi nơi này, thì tôi cần phải thoát khỏi bàn tay của ông trước.
Bố nhìn tôi rất lâu, trên khuôn mặt ngập tràn sự tức giận lẫn đau khổ. Có lẽ ông cảm thấy mình sắp mất đi đứa con trai này, đứa con mà ông từng áp đặt nó trong mọi hoàn cảnh. Giờ thì nó đang chống đối ông bằng tất cả sự cương quyết của nó. Ngoài trời lặng thinh, sự lặng thinh ấy chuẩn bị cho cơn bão sắp đến. Tôi nín thở chờ đợi cơn cuồng nộ của bố đổ lên mình, tôi không cảm thấy sợ hãi, bởi tôi biết ngày này rồi sẽ đến.
Khi một con sâu phá kén trưởng thành, nó phải chịu đau đớn để thoát ra khỏi chiếc kén đó. Tất cả là vì cú tung cánh tuyệt mỹ, cho nên nó chẳng nuối tiếc điều gì. Còn tôi ư? Tôi đang chuẩn bị điều gì ư? Có lẽ là cho một hành trình mới. Tôi nghĩ rằng khi tôi rời khỏi nơi đây, rời xa gia đình đã không còn sự an ủi nào với tôi, thì tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi sẽ kết bạn, sống như một người khác, vui vẻ và hoà đồng. Dối trá hay sự thật cũng không còn quan trọng nữa, chỉ cần không phải là nơi này.
“Nếu mày đi thì đừng bao giờ về nhìn mặt tao, kể cả khi tao chết.”
“Tại sao bố phải như vậy? Con chỉ là đi học thôi mà.”
“Tao không hợp với việc thấu hiểu, cả cuộc đời tao chỉ muốn con cái mình có thể yên ổn với cuộc sống của nó. Đừng có tự đày đoạ, lao mình vào những gì mà mày không biết trước, cuộc đời không đơn giản như mày nghĩ đâu.”
Nàng mang đĩa táo ra đặt lên bàn, liếc nhìn tôi như thể ra hiệu tôi đừng phản bác lại. Nhưng tôi đã bỏ qua ánh nhìn đó của nàng mà đứng dậy nói đầy kiên quyết: “Cuộc đời đơn giản hay phức tạp con không quan tâm, miễn là không giống như cuộc đời của bố.”
“Mày…”
Bố đứng dậy, hai bàn tay ông nắm chặt lại như sắp giáng cho tôi một cú đấm. Nhưng rồi ông không làm gì cả, chỉ gật đầu hai cái rồi bỏ vào phòng.
“Con không nên nói chuyện với bố như vậy.” Mẹ kế vừa thu dọn bát, vừa nhắc nhở tôi.
Tôi không đáp lại bà, lẳng lặng rời khỏi bàn ăn và lên trên phòng. Bật một bản nhạc Trường Vũ thật lớn, tôi chốt cửa không để ai tiếp cận mình. Tại sao bố lại không muốn tôi rời đi? Nếu như tôi đỗ đại học thì sao? Liệu ông không muốn tôi rời khỏi nơi này ngay từ đầu?
…
Những ngày sau đó tôi và bố vẫn chẳng nói chuyện với nhau, ngôi nhà đã lạnh lẽo nay càng trở nên lạnh lẽo hơn. Mẹ kế và nàng không bao giờ dám tham gia gì vào những cuộc cãi vã giữa hai bố con tôi, bởi vì họ luôn biết điều đó sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa.
Tôi và bố rất giống nhau ở khoản ương ngạnh, chúng tôi không bao giờ chịu cúi đầu trước dù cho tình hình có tồi tệ đến đâu. Bố không còn đánh đập tôi nhiều như hồi bé, nhưng ông vẫn thể hiện bản tính bạo lực của mình bằng mấy việc đập đồ, gằn giọng hay nắm chặt bàn tay lại mỗi khi thấy tôi.
Trong lúc đó, tôi vẫn đến quán bánh làm việc và ôn thi đại học. Kì thi ngày một đến gần hơn, tôi giống như đã được lên dây cót, cứ hoạt động một cách có trật tự. Tuy nhiên, trái tim và linh hồn tôi thì lại ở một vùng khác. Tôi không biết tại sao bản thân tôi lại cảm thấy thất vọng đến như vậy. Có một bàn tay vô hình đang đì tôi xuống, và ép tôi phải nghĩ về tất cả.
Xuân vẫn chat với tôi qua Yahoo, cô ấy đã lên Hà Nội ôn thi từ sớm, thi thoảng còn gửi cho tôi một vài bức ảnh mà cô chụp được ở đất thủ đô.
“Cậu phải lên đây, rồi tớ sẽ đưa cậu đi chơi.” Xuân hào hứng nói.
Tôi kể: “Bố tớ không muốn tớ lên Hà Nội học, mà có lẽ tớ sẽ về thẳng Hải Phòng để thi luôn.”
“Vậy à? Nhưng nếu cậu đỗ thì chúng mình vẫn có thể gặp nhau.”
Ấn nhẹ chuột vào thanh chat, nhưng cuối cùng tôi lại không nói thêm gì nữa. Bởi tôi cũng không biết phải nói thế nào. Nếu như tôi không đỗ, thì tôi và cô ấy sẽ chẳng bao giờ gặp nhau nữa cả ư?
Cộc cộc.
Nàng đứng ngay cạnh cửa, trên tay là một đĩa hoa quả đã được gọt sẵn. Nàng gõ cửa để đánh tiếng tôi chứ tôi cũng nghĩ nàng đứng đó nhìn tôi từ lâu rồi. Sau đó nàng mỉm cười, đặt đĩa hoa quả xuống và khoanh tay bảo: “Anh nghĩ rằng có thể đỗ đại học à?”
Cái câu hỏi thách thức này là sao? Tôi không đáp. Mở một cái tab khác để tìm vài thông tin. Nhưng nàng không rời đi, mà bước đến giường tôi và ngồi xuống.
“Em tin anh có thể rời khỏi nơi này.”
Tôi xoay ghế lại, hồ nghi nhìn nàng: “Mày muốn nói gì?”
Nàng nhún vai: “Chúng mình uống rượu giải sầu đi!”
“Lại sao nữa?”
“Em chỉ cảm thấy rất buồn.”
“Tại sao?”
“Cái không khí trong nhà này làm em buồn.”
Tôi cười nhạt, nàng nói tiếp: “Anh định chiến tranh với dượng đến bao giờ?”
“Tao không giận ông ấy nữa.”
“Vậy là anh không đi nữa?”
“Tao chỉ không nghe lời bố thôi.”
Nàng thở dài, hai vai xụ xuống như thất vọng. Rất nhanh sau đó, nàng hào hứng trở lại và vỗ hai bàn tay vào nhau: “Uống thôi. Anh đã nói sẽ làm bạn của em mà, cùng em giải sầu đi.”
“Nhưng tao phải học.” Tôi nhíu mày.
Nàng nhón lấy một quả nho ở trên đĩa, bỏ vào miệng rồi nháy mắt: “Anh đâu có học, em biết thừa.”
Một thằng trai mười tám tuổi thiếu vài tháng vẫn luôn là một đứa trẻ to xác muốn khám phá mọi thứ. Song, tôi chưa bao giờ uống rượu, bởi vì tôi chẳng có hứng thú với nó. Tôi cũng chưa bao giờ say, dù đã uống bia rất nhiều. Còn nhớ đợt liên hoan năm cấp hai, cái đám choai choai bạn tôi mang từ đâu về một thùng bia Heineken, thế là hôm ấy tôi cứ uống một cách ngây thơ. Rồi đám bạn gục xuống, còn tôi thì vẫn ngơ ngác nghĩ rằng chúng nó đang giả vờ.
Cảm giác say sẽ như thế nào nhỉ? Tôi nghĩ. Người ta sẽ làm mấy chuyện điên rồ đúng không? Người ta sẽ nói thật lòng mình đúng không?
Vậy là tôi cùng nàng lúc mười giờ đêm lén xuống bếp lấy chai rượu Ba Kích được ngâm từ lâu của bố xuống, nàng lục trong tủ lạnh tìm vài đồ nhắm kèm thêm đĩa hoa quả nữa. Chúng tôi rón rén bước lên cầu thang, nhẹ nhàng đóng cửa phòng lại và bắt đầu khám phá cơn say.
“Ngày mai mày không được nói gì với bố đâu đấy, nghe rõ chưa?”
Nàng bĩu môi: “Em có phải ngu đâu? Nếu dượng biết em cũng sẽ chết.”
“Mày cũng biết sợ bố à?”
“Sao không?”
Tôi cười. Nàng nhanh chóng bắt lấy khoảnh khắc đó của tôi và hô lên: “Lần đầu tiên anh cười hiền từ thế này với em đấy.”
Tôi thừ người một lúc lâu, cố nhớ lại nụ cười đó của mình, rồi lại nhanh chóng gạt tay của nàng ra, chép miệng như để bớt ngại ngùng: “Tao đâu có ác ý với mày.”
Hai cái ly đã sóng sánh thứ chất lỏng màu tím nhạt, dậy lên một mùi hương rất nồng và nóng. Tôi có thể cảm nhận được sự nóng bỏng trong từng đoạn ruột mà nó chảy xuống. Chúng tôi tắt điện, mở toang cửa sổ để ánh trăng lùa vào. Vừa qua rằm tháng bảy chỉ một chút, nên trăng vẫn còn rất tròn và sáng. Vẫn như mọi khi, cả xóm đã chìm vào giấc ngủ hết rồi. Những mái nhà cao thấp chen chúc nhau trước tầm mắt chúng tôi, tựa như những chiếc hộp cũ kỹ. Nàng nâng ly lên, hào phóng nói: “Chúc anh trai của em thi đỗ đại học.”
Tôi chạm nhẹ ly mình vào đó, tiếng keng trong trẻo của thuỷ tinh phát ra làm lay động đêm tối. Vì không biết nên tôi đã uống một hơi cho hết, cơn bỏng rát xộc lên khiến tôi ho sặc sụa. Thật sự là một loại chất lỏng đáng sợ, chỉ một ly bé tẹo cũng làm tôi cảm thấy trời đất quay cuồng. Nàng cười hả hê vì điệu bộ đó của tôi, nhưng vẫn đưa cho tôi một tờ giấy để tôi lau miệng.
Dần dần lấy lại bình tĩnh, tôi đặt ly lên thành cửa sổ và cố thở nhẹ. Rồi tôi bực bội nói: “Có gì ngon đâu chứ?”
Nàng vẫn chưa thôi cười, nói nhát gừng: “Phải biết thưởng thức cơ.”
Rót cho tôi thêm một ly nữa, nàng dúi cái ly đó vào tay tôi và bắt đầu chỉ bảo: “Anh nhấp môi một chút, ăn hoa quả hoặc đồ nhắm rồi mới uống từ từ. Anh sẽ hiểu được tại sao người ta có thể nghiện rượu được.”
Tôi nhíu mày không vừa lòng, nhưng vẫn làm theo. Quả đúng như những gì nàng nói, khi được thưởng thức một cách chậm rãi, thì rượu lại phát ra sự kiều diễm đến nao lòng của nó. Một loại hương vị rất đậm lan toả trong miệng tôi. Nó có đủ đắng, cay, ngọt, bùi mà tôi không thể nào phân tách riêng lẻ từng thứ. Tựu chung lại ở cuối chính là một ngọn lửa nóng ran. Dưới ánh trăng, tôi như đứa trẻ lần đầu tiên nghe được tiếng hát đồng dao, cứ say sưa im lặng mà thưởng thức.
“Hoà đã dạy em uống rượu đấy.” Nàng kể: “Mỗi khi anh ta buồn, anh ta lại rủ em đi uống rượu.”
Tôi đặt ly xuống, quẹt nhẹ môi lau đi giọt rượu còn vương lại: “Vậy là mày biết uống rượu lâu rồi?”
“Ai mà chẳng biết uống rượu chứ? Chỉ là chúng ta bắt đầu uống nó từ lúc nào thôi.”
“Vậy mày có từng say chưa?”
Nàng lắc đầu: “Chưa từng. Hoà nói em có tửu lượng khá lắm, mà em cũng thấy vậy. Có lẽ em giống bố, ngày trước bố em là vua rượu của làng đấy.”
Tôi cười khẽ: “Mày thì cái gì cũng giỏi.”
“Đâu có, em chẳng giỏi thứ gì. À, như anh nói thì em rất giỏi gây chuyện.”
Vầng trăng như đã thả mỏ neo ở cái khoảng không của nó. Nhìn đi nhìn lại, vậy là đã hơn hai năm kể từ ngày nàng chuyển đến nhà tôi, chúng tôi vẫn chẳng thân thiết với nhau được hơn là mấy, càng không thể coi nhau là anh em được. Cái ngày đầu tiên nàng đến, tôi đã thấy nàng rất đặc biệt, bởi vậy nên tôi xa cách nàng. Đến bây giờ thì tôi vẫn thấy nàng đặc biệt, nhưng tôi không cắt nghĩa được sự đặc biệt đó. Giống như một loại cổ ngữ xa lạ, không phải cứ nhìn ngắm thật lâu là hiểu được.
“Mày còn nhớ lần đầu tiên bọn mình gặp nhau không?”
“Có chứ, lúc ấy anh như nhìn thấy ma vậy.”
“Thế á?” Tôi không nhận ra điều đó.
“Ừ, anh cứ nhìn chằm chằm vào em như muốn ăn tươi nuốt sống ấy.”
“Còn mày thì kiểu một con nhà quê phách lối. Vừa mới đến đã nhìn ngang ngó dọc rồi làm mấy hành động chẳng giống ai.”
Nàng hất cằm lên: “Ví dụ đi xem nào?”
“Mày chạy hết từ tầng trên xuống tầng dưới để xem xét như thể đây là nhà của mày từ lâu, rồi còn nhanh nhảu trả lời mấy câu của bố hỏi nữa. Ăn mặc thì đúng là quê mùa thôi rồi, lại còn đeo mấy cái dây vòng mỹ ký han gỉ nữa chứ.”
Nàng cười phá lên khi nghe tôi kể lại: “Thật thế à? Em tưởng như vậy là ngầu đấy.”
“Ngầu con khỉ, mày như kẻ xâm lược ở đến xem vùng đất mới vậy, lại còn là một kẻ xâm lược kiểu Đôn Ki Hô Tê.”
Nàng cười khoái chí hơn. Tôi ngắm nhìn nụ cười đó của nàng, tôi thích nó. Khi nàng cười lớn, nàng giống như một bông hoa đang nở rộ, khác hoàn toàn với vẻ ương ngạnh tang thương lúc bình thường.
“Tao hỏi mày một câu được không?” Tôi nói.
Nàng chống cằm, gật đầu và chờ đợi.
“Mày có bao giờ ngủ vởi thằng Hòa chưa?”
Trông khuôn mặt bình thản của nàng, tôi biết nàng chẳng có gì bất ngờ với câu hỏi đó. Rất nhẹ nhàng, nàng lắc đầu: “Chưa từng.”
Tự nhiên lòng tôi lại nhẹ nhàng hơn, tôi thở ra và vỗ vai nàng: “Tốt lắm.”
“Nhưng nếu rồi thì sao?” Nàng hỏi ngược lại.
“Thì tao sẽ cảm thấy buồn. Bởi vì tao không bảo vệ được mày.”
“Anh quan tâm đến chuyện đó như vậy à? Chuyện em ngủ với ai ấy!”
Tôi nhấp môi vào lòng rượu rồi mới trả lời: “Có chứ, tao không muốn mày bị tổn thương, người ta sẽ nói ra nói vào nhiều lắm, nó không tốt cho mày.”
“Anh biết em là người không quan tâm đến thế giới này mà. Em chỉ quan tâm anh, anh cũng sẽ nghĩ như mọi người à?”
Câu hỏi của nàng lúc nào cũng như một mũi tên lao vào cái hồng tâm của nó, nàng không cho tôi cơ hội chuẩn bị bao giờ, nàng như đã chuẩn bị sẵn những câu hỏi này từ rất lâu rồi. Tôi mân mê ly rượu, lắc đầu đáp: “Ừ, tao không thích con gái như mày.”
“Anh nói dối.” Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi, và như có một sợi dây buộc chặt tôi lại. Tôi thấy tim mắt thắt nhẹ một chút, căng thẳng như bị soi xét tội trạng.
Nàng tiến đến gần hơn, có lẽ vì trời quá tối cho nên mới muốn nhìn thật kỹ đôi mắt của tôi để đoán tâm tư: “Anh không sợ em tổn thương, mà là sợ bản thân anh sẽ bị tổn thương.”
“Tại sao tao phải tổn thương?”
Nàng càng tiến đến gần hơn, thì thầm bảo: “Giống như chuyện anh chưa từng uống rượu vậy, anh ngây thơ với những tình cảm trong mình.”
Tôi im lặng, suy nghĩ về những gì nàng nói. “Tao…”
Rất từ tốn, như ánh trăng đang chầm chậm rơi xuống ly rượu của chúng tôi, nàng nhẹ nhàng đặt môi nàng lên môi tôi. Sự đụng chạm đó như rượu chảy vào lòng, vừa khó đoán lại vừa đê mê.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét