NỰC CƯỜI KẺ KHÔNG ĐỌC ĐƯỢC TẢN VĂN LẠI ĐI VIẾT TẢN VĂN [tâm sự Gió Còn Thổi Mãi]
NỰC CƯỜI KẺ KHÔNG ĐỌC ĐƯỢC TẢN VĂN LẠI ĐI VIẾT TẢN VĂN
Gió Còn Thổi Mãi là cuốn tản văn đầu tiên của tôi. Còn vụng về nhưng chân thành! Tôi nghĩ chân thành là một đức tình cần trong viết lách. Bạn có thể không thích giọng văn, không thích cách triển khai, không chấp nhận những quan điểm của tôi, nhưng hy vọng bạn biết được tôi đã chân thành thế nào. Xin đừng gạt nó đi!
Khi chữ đầu tiên của “Gió Còn Thổi Mãi” được gõ ra trên máy, tôi vẫn không đọc tản văn cho dù bạn bè văn chương của tôi và ngay cả những tác giả tôi thích viết tản văn rất nhiều. Tôi không có ác cảm gì với dòng văn này, chỉ là rất khó để tập trung hay tìm ra vấn đề mà tác giả truyền đạt ở bên trong mà thôi. Nhưng trong một tối 2019, vì muốn viết mà không viết phải viết gì, vì tâm trạng mông lung nên tôi đã viết bài tản văn đầu tiên mang tên “một ngàn lý do để đau lòng”. Cái tên lấy từ bài hát của Trương Học Hữu mà tôi đang nghe lúc đó. Khi hoàn thành bài tản văn đầu tiên trong đời, tôi hiểu được tại sao bản thân lại không tập trung được vào những dòng tản văn của người khác, vì có lẽ họ cũng biết nó ra với trạng thái mông lung như tôi.
Xuất phát điểm là một tác giả viết truyện, tôi luôn yêu cầu các tác phẩm của bản thân phải có cốt kết rõ ràng, câu từ đẹp nhưng phải phục vụ cho một mục đích văn chương chứ không phải để khoe mẽ. Với dòng tản văn, đôi khi tôi cũng lúng túng vì tôi bắt mình phải viết theo kiểu mở, thân kết rõ ràng như khi viết truyện. Hoặc ít nhất, phải có một vấn đề rõ ràng. Mà để viết ra được một cách rõ ràng sẽ cần một đoạn văn dài. Tôi lại rơi vào trạng thái đa nghi, rằng liệu có ai đọc những đoạn dài thòong này hay không?
Tôi đã tìm đọc một vài tản văn để học cách viết, nhưng tôi phát hiện ra với tản văn, người viết phải viết xoay quanh bản thân họ. Tức là không có câu chuyện cụ thể, mà chỉ có những suy nghĩ cá nhân trước mỗi sự vật, sự việc mà họ gặp phải. Ví dụ như những chiêm nghiệm của họ trong tình yêu, hoặc cận hơn nữa là chuyện họ chia tay một người. Tôi không gặp nhiều bất trắc gì với cuộc sống, suy nghĩ cũng mông lung lắm. Tôi không bao giờ nghĩ bản thân là một người sâu sắc, thậm chí có đôi phần tẻ nhạt. Vậy thì làm sao tôi có thể viết được cả một cuốn tản văn 200 trang như Gió Còn Thổi Mãi?
Tôi đã viết những suy nghĩ của bản thân qua những câu chuyện của bạn bè. Hoặc đơn giản, là tôi giúp họ viết ra những điều họ không thể viết.
Đó cũng là lý do tôi lấy tên sách là “Gió Còn Thổi Mãi.” Tôi quyết định trở thành một người viết của những người không thể viết. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện của họ, kể cho tôi nghe nỗi lòng họ. Đôi lúc cũng là những câu chuyện của tôi. Thế sự luôn xoay vần, ta gặp hàng tỉ chuyện mỗi ngày. Nếu mỗi ngày tôi nghe một câu chuyện, thì có lẽ cả đời cũng viết không xong. Nó có khác gì một cơn gió thổi mãi đâu?
Để đa dạng những câu chuyện hơn, tôi đã để một mã QR ở cuối trang. Mã QR đó sẽ dẫn bạn đến với phòng kể chuyện. Bất kể là câu chuyện nào tôi cũng sẽ nghe và viết lại. Không biết bạn có giống tôi không, nhưng đôi khi tôi muốn được nói chuyện với ai đó mà mình không biết. Một người chỉ có thể nghe mà không được đáp lại. Rồi họ rời đi và kể câu chuyện đó cho những người lạ khác. Những người tôi không biết, những người không biết tôi. Như vậy tôi sẽ thấy thế giới này với mình có những câu chuyện chung, không biết bắt nguồn từ đâu.
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa”
- Xuân Quỳnh
Bạn có thể đặt sách tại link này: Gió Còn Thổi Mãi.
Cuối cùng thì tôi thật mâu thuẫn đúng không? Kẻ không đọc tản văn lại đi viết tản văn. Tôi nghĩ tản văn không phải dòng văn đọc để hiểu. Đôi khi chỉ là để xem có ai tìm được mình trong những câu chữ dàn trải ra như nước đó không thôi.
Thuỷ Vũ
HN, 27/10/2023
0 nhận xét:
Đăng nhận xét