Cuồn cuộn dĩ vãng [Hồi 1]
Năm mười ba tuổi, trong nàng đã tồn tại một vẻ kỳ khôi khó lòng diễn tả. Khác với những cô gái cùng trang lứa, nàng không còn là trẻ con nữa, nhưng cũng chẳng phải người lớn. Nàng ở đâu đó giữa cả hai. Ngoại hình xinh đẹp với mái tóc ngang lưng đen tuyền, đôi mắt sáng rực như ánh sao đêm, bàn tay và bàn chân của nàng trắng và nuột nà không một chút vấp váp của xương hay gân mạch nào. Đôi môi nàng nhỏ nhắn, khi hờ hững lại để lộ hai chiếc răng cửa trắng ngần. Tai nàng hơi vểnh về phía trước, nếu nhìn chính diện có thể thấy rõ được đủ hình dạng. Lông mày thì hơi nhạt, cho nên lúc nào nàng cũng vẽ nó cong lên như đuôi phượng. Đó là tất cả những gì tôi còn nhớ về nàng năm nàng mười ba tuổi. Cái sự kỳ khôi mà tôi nói đến chính là cái vẻ trưởng thành chưa tới của nàng, và những dáng vẻ buồn bã của nàng nữa. Nó khiến nàng trở nên khác biệt.
Hồi ấy nàng chuyển vào một ngôi trường trung học cơ sở ở trung tâm thành phố, ngôi trường với rất nhiều con nhà giàu. Mẹ của nàng đi bước nữa với bố tôi, bà chuyển từ vùng quê Thái Bình đến nhà tôi sống. Lúc nàng bước qua cánh cửa nhà tôi, nàng mặc một chiếc váy bằng vải lanh trắng, thắt lưng có buộc một sợi dây gì đó màu đen trông khá đặc biệt. Tóc nàng tết thành hai bím gọn gàng. Hai tay cầm hành lý với một vẻ bẽn lẽn.
Ngôi trường mà nàng học cách nhà tôi chỉ chừng một cây số, bố tôi mua cho nàng một chiếc xe đạp cũ. Nàng có vẻ rất thích nó. Tôi cũng có một chiếc xe cào cào riêng, màu bạc kiêu hãnh. Chúng tôi thường đi chung khoảng gần một cây số rồi chia đường ra. Trường của tôi cách nhà đến những ba cây. Mỗi lần đi chung đường, tôi với nàng thường không biết phải nói với nhau điều gì. Chúng tôi vẫn chưa thể quen được chuyện người kia là anh và em gái của mình. Dường như điều đó là bất khả kháng. Có một sự chống đỡ nổi lên trong máu của chúng tôi, chúng tôi mãi mãi không thể là anh em của nhau.
Sau này tôi mới biết rằng đó chẳng phải là loại tâm lý chống đỡ gì, mà chỉ là một bản năng trong chúng tôi. Nếu không cùng dòng máu, thì không thể là anh em. Vả lại, chúng tôi đã quá tuổi để tự đánh lừa bản thân phải tin tưởng nhau là ruột thịt rồi.
Bố tôi không phải một người giàu có gì, ông được bác tôi mai mối với mẹ của nàng. Cả hai người nói chuyện rất hợp, lâu dần nảy sinh tình cảm nên đã quyết định sẽ về chung sống. Bố nàng đã mất, cũng bị tai nạn giao thông như mẹ tôi. Hoàn cảnh trùng hợp đã khiến hai gia đình thiếu sót trở thành những mảnh ghép của nhau. Chính tôi cũng cảm thấy đây là một diễn biến phù hợp.
Mẹ của nàng thì là một phụ nữ quê chính gốc, nhưng bà rất tháo vát và còn biết cả may vá. Hằng năm tôi và nàng không bao giờ phải đóng tiền đồng phục vì mẹ nàng tự may nó. Chỉ cần cắt phù hiệu cũ đi hoặc tốn hai ngàn đồng để mua phù hiệu mới rồi đính vào bộ đồng phục được mẹ nàng may đó là được. Có bà, hai bố con tôi đỡ đi rất nhiều việc, ăn uống cũng đầy đủ hơn trước. Và đặc biệt, bà luôn biết rõ thân phận của mình. Bà không bao giờ nhắc đến mẹ tôi, hay không bao giờ tỏ vẻ có được tình cảm của bố tôi trước mắt tôi. Bà khiêm tốn và hiền hậu đến mức tôi cảm thấy kính trọng. Nhưng rõ ràng là tôi vẫn không thể coi bà là mẹ mình.
Những ngày chủ nhật, bố và mẹ kế thường làm cơm gia đình. Những ngày đó tôi và nàng không được phép vắng mặt. Bố tôi rất nghiêm, ông luôn đề cao những giá trị truyền thống về phía bản thân của ông. Lúc nào cũng dặn dò anh em tôi phải yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, dặn tôi không luôn phải nhường nàng và dặn nàng phải kính trọng tôi. Chúng tôi đều nghe lời bố, nhưng tôi luôn có cảm giác mình giống như một diễn viên kịch chuyên nghiệp đang diễn tròn vai trên sân khấu. Không biết bao giờ thì vở kịch này mới hạ màn.
Từ nhỏ tôi đã ít nói, không thích giao du. Rảnh rỗi lại ngồi một chỗ đọc sách hoặc là chơi điện tử. Tôi học hành không tốt gì mấy, ngoài môn văn ra thì môn nào cũng là mít đặc. Con trai mà giỏi môn văn thì hơi ẻo lả, bố tôi bảo thế nhưng tôi thây kệ. Ở cái tuổi lo chơi hơn lo học này tôi thấy may mắn vì mình vẫn còn một môn để bấu víu lại.
Tôi thích được ở một mình, nên lúc nào cũng tự nhốt mình trong phòng. Năm nàng chuyển đến nhà tôi thì tôi mười sáu tuổi, vừa vào cấp ba. Thời chúng tôi khi ấy mốt nghe nhạc của West Life hay mấy nhóm nhạc đình đám khác nhưng tôi thì chẳng. Tôi thích mấy loại nhạc vàng buồn thảm của bố. Đặc biệt là Trường Vũ. Những khi ở trong phòng, tôi thường bật nhạc Trường Vũ nghe. Cái cách hát đau đớn, da diết của ông làm tôi vơi đi phần nào nỗi trống vắng của tuổi dậy thì ở trong lòng.
Tôi đã từng nói với bố rằng, không ai có thể thay thế được mẹ trong lòng tôi, không ai có thể xoá nhoà đi những ký ức về tình mẫu tử tôi đã được hưởng suốt năm tháng bé thơ, và cũng không ai có thể trở thành một điều gì vĩ đại, lớn lao hơn mẹ. Bố tôi không thể nói được gì khác ngoài đánh tôi, vì hình như lúc đó, mẹ kế đã vô tình nghe thấy. Tôi không trách bố, cũng không trách mẹ kế. Bởi vì những lời tôi nói sẽ làm tổn thương đến bà, ông đánh tôi như vậy, cũng chỉ là để xoa dịu cho bà mà thôi. Sau trận đánh ấy, tôi ít nói chuyện với những người trong nhà hơn. Bố tôi cũng biết nên không hỏi gì cả, tránh để tôi nói những lời không phải.
…
Mỗi buổi sáng đi học, nàng thường đứng rất lâu trước gương. Phòng ngủ của nàng ở ngay cạnh phòng tôi, mỗi lần xuống dưới nhà tôi đều phải đi qua đó. Nàng thường yên lặng ngắm nhìn mình trước gương, không biết nàng đang suy nghĩ điều gì. Dáng vẻ buồn bã của nàng như được tạo ra từ một sự ám ảnh, một sự ám ảnh về chết chóc. Đôi mắt nàng lại rất sáng. Tôi chưa bao giờ coi đây là một sự mâu thuẫn, dường như nó là một màn kết hợp đầy ăn ý.
Nàng thường mặc chiếc áo đồng phục trắng, vẫn thắt bím hai bên nhưng lại dùng những chiếc cặp tóc nhiều màu và một đôi toòng teeng rất lạ. Nàng biết để khiến mình trông nổi bật hơn người khác. Ở tuổi mười ba, nàng đã biết dùng son và kẻ mày, màu son của nàng không quá loè loẹt, nó chỉ phớt nhẹ như hoạ sĩ quệt khẽ chiếc bút lông lên giấy thôi.
Tôi khác nàng, tôi chỉ cố dìm mình đi nếu có thể. Tôi không muốn trở nên quá nổi bật, cũng không muốn người khác phải trầm trồ vì mình. Khi đến trường, tôi thường ngồi góc lớp và chỉ vậy thôi. Tôi không hoà đồng, tự tách mình ra khỏi bạn bè, bởi vậy nên tôi không được yêu quý gì. Thi thoảng có vài thằng choai choai sẽ đến gây sự, nhưng tôi mặc kệ chúng, điều đó làm chúng phát điên lên. Chúng đánh tôi đau điếng và lấy những lý do kiểu như tôi đã nhìn đểu chúng hoặc thái độ của tôi không tốt. Tôi không bao giờ đánh lại, nhiều khi có suy nghĩ chúng nên đánh chết tôi đi. Bởi vì ngày mai, và cả sau này, tôi vẫn sẽ như thế. Không coi chúng ra gì và không để chúng vào mối bận tâm của mình.
Mọi người trong gia đình đều không biết đến chuyện ở trường. Với tôi, khi ở trường và khi ở nhà là hai khoảnh khắc riêng biệt. Lúc ở trường, gia đình giống như người ngoài hành tinh và ngược lại. Tôi thích sự tách biệt đó, mỗi nơi tôi đều có chỗ trốn riêng. Không ai thật sự hiểu được tôi, nếu hiểu được, họ phải ở cả hai thế giới như tôi.
Chắc là nàng cũng giống như tôi.
Năm đó, nàng thường trở về nhà với bộ dáng xộc xệch, khác hẳn với diện mạo khi ra khỏi nhà. Đôi mắt nàng kiệt quệ tia sáng, nàng vứt cặp lên trên giường rồi đổ người xuống. Nàng sẽ chẳng bao giờ đóng cửa, cũng không quan tâm tôi có đang nhìn nàng hay không. Nàng đối xử với tôi y như cách tôi đối xử với bọn côn đồ trong trường đã đánh mình. Vừa ghét bỏ mà lại vừa tội nghiệp.
Khi tôi hỏi nàng: “Có phải mày đánh nhau không?”. Nàng đã gật đầu rồi cười, nhưng không nói thêm gì cả. Ở trong nhà này, nàng là người ít nói thứ hai sau tôi. Nàng không đứng thứ nhất cũng bởi tại nàng phải nói chuyện với bố và mẹ thay tôi nữa.
“Mày đừng có làm bố lo.” Tôi mở miệng nhắc nhở, cũng không muốn nán lại phòng nàng lâu nên đã bỏ sang phòng mình.
Sáng hôm sau, trước khi rẽ sang đường đi của mình, nàng đã dừng xe của mình rồi đột ngột giữ đuôi xe tôi lại và bảo: “Cuối buổi nhớ trốn đi.”
Tôi chẳng hiểu nàng đang nói gì, nhưng trong mắt nàng có một chút gì đó lạnh lùng lại có một chút gì đó thương hại. Bình thường nàng không bao giờ nhắc nhở tôi cái gì, nhưng hôm nay nàng lại dặn dò tôi một điều lạ lùng khiến tôi cảm thấy nao nao lòng. Nhìn bóng nàng thả xuống con dốc thoai thoải, tôi chỉ biết thở dài mà tiếp tục đến trường.
Trong trường học có rất nhiều luật lệ, nhưng chỉ cần tôi ngồi yên một chỗ thì sẽ chẳng thấy bất tiện gì. Tôi được xếp ngồi cuối lớp vì chiều cao của mình. Người tôi thì lại rất gầy, các cơ bắp dường như teo tóp hết cả, tôi nghĩ chúng nó sợ tôi. Cũng vì quá cao nêu tôi thường bị mọi người gọi là chướng ngại vật, chỉ cần tôi xuất hiện ở đâu thì mọi người sẽ tỏ ra rất khó chịu và làm mọi trò để vượt qua tôi.
Cô bạn cùng bàn với tôi nói rằng tôi không hợp với môi trường này, mà, có thể môi trường học đường nào cũng vậy. Ít nhất thì cô ta cũng là người tốt nhất trong lớp, cô ta chịu nói chuyện tử tế với tôi. Có một dạo người ta cố tình nói cô ấy yêu tôi, thích tôi nhưng cô chỉ im lặng và nói đám đó là những kẻ ấu trĩ. Tôi ấn tượng với thái độ của cô ấy, một thái độ bàng quan trước mọi phán xét dành cho mình.
Tiếng động của trường học khiến tôi chìm dần vào sự trầm tĩnh. Tôi thích nhất khoảnh khắc thầy cô giảng bài, bởi lúc ấy tôi có thể ngủ. Những lời giảng như thể lời tụng kinh trong chùa, khiến tôi có thể yên tâm mà đánh một giấc, chẳng sợ cái lũ choai choai kia làm phiền.
Trong giấc ngủ, tôi có thể nghe được những âm thanh rì rầm của đám bạn nói chuyện, những tiếng sột soạt của sách vở, mùi nồng từ mồ hôi, nước xả vải hoà quyện vào nhau.
Một cảm giác đau điếng truyền đến đầu, tôi giật mình tỉnh dậy. Trước mặt là thằng Hoà, chính cái thằng hay bắt nạt tôi đó. Một chân gác ghế, một chân đứng duỗi thẳng đầy oai vệ, nó liếc nhìn tôi như liếc nhìn một con chó: “Cuối giờ đợi tao ở cổng trường.”
“Làm gì?” Tôi hỏi.
“Làm gì kệ tao, mày không ở lại ông giết.”
“Mày giết tao rồi sao?”
“Muốn chết à? Thích hỏi đểu không?”
Trong cái giọng hách dịch ấy, tôi không thấy nổi sự uy nghi hay doạ dẫm ở đâu. Tôi chỉ cảm thấy một nỗi niềm muốn được chú ý, một sự cô đơn khắc khoải. Có lẽ nó cũng là một đứa thiếu niên đáng thương. Những ngón tay của nó gồng lên, nắm đấm đã trực chờ được giải toả. Đám học sinh bu quanh xem trò vui. Thanh âm đập vào chỉ toàn những tiếng cười khúc khích. Ở giữa những thanh âm ấy, tôi và thằng Hoà như những con dế trong trò chọi dế. Sự mênh mông của lòng hiếu chiến ở tôi lẫn thằng Hoà làm phấn khích đám người này.
“Tao sẽ ra.”
Thằng Hoà hơi ngạc nhiên, nhưng cũng chẳng nói gì. Nó đấm lên vai tôi một cái rồi rời đi. Cái máu bạo lực ở một con người cho thấy được những điều mà người đó trải qua. Tôi càng cảm thấy thằng Hoà đáng thương hơn tôi rất nhiều.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét