Cuồn cuộn dĩ vãng - (Hồi 6)
Năm ba mươi tuổi, tôi gặp lại thằng Hoà trên một chuyến tàu lên Yên Bái. Trên tàu, thằng Hoà ngồi im lặng cùng cuốn sách. Trông nó khác xưa hoàn toàn, mái đầu dựng ngược đã trở nên bồng bềnh, lãng tử, khuôn mặt ngang tàn nay lại đầy vẻ phong sương. Tôi nhận ra thằng Hoà từ ngay lần đầu tiên thấy, nhưng rõ ràng nó thì chẳng. Nó đưa mắt nhìn ra bên ngoài, tàu đang đi qua một cánh đồng lúa, cánh cò trắng bay dập dìu. Những ngôi nhà bên đường lướt qua như một thước phim bị tua nhanh.
Vì toa tàu rất trống nên tôi đã mạnh dạn mang hành lý đến ngồi đối diện với nó. Đó không phải là ghế của tôi, nhưng tôi nghĩ sẽ chẳng còn ai ở đây có thể ngồi vào chiếc ghế ấy ngoài tôi.
Nhà văn Đoàn Minh Phượng đã viết rằng: “Ở gương mặt, người ta nhận ra nhau đầu tiên, rồi đánh giá, rồi yêu ghét, rồi ghi nhớ. Vì thế, gương mặt của chúng ta luôn luôn tìm cách – học cách, tạo ấn tượng thuận lợi nhất cho mình trong mắt người khác.” Năm ba mươi tuổi này, thật khó để nhớ nổi khuôn mặt niên thiếu của thằng Hoà, cái tôi nhớ về nó nhiều nhất chính là những trận đòn hay cái sự đáng thương hiện lên trong đôi mắt cô đơn của nó. Mỗi khi nó nhìn tôi, tôi đều có thể thấy rõ trái tim tổn thương của nó, tôi nhớ về tâm hồn của nó nhiều hơn là nhớ khuôn mặt này. Cũng chính đôi mắt của thằng Hoà làm tôi nhận ra nó ở ngay lần đầu tiên gặp lại.
Thằng Hoà liếc mắt về phía tôi, nhưng cũng không nán lại quá lâu. Nó lấy điện thoại ra, vào Facebook, lướt xem không mục đích. Tôi có thể để ý các bài đăng trên newfeeds của nó hầu hết là về chính trị - xã hội. Thêm một vài chiếc ảnh có quotes của một nhà kinh tế học, một tỉ phú nào đó. Trên ngón tay của thằng Hoà có đeo nhẫn cưới, giống như tôi. Đã không còn là nó, cũng không còn là tôi. Một suy nghĩ hiện lên trong tôi. Chúng tôi đang ở một thời đại của sự phát triển chóng mặt cả về chất và lượng. Tôi thắc mắc một điều không biết nó còn nhớ gì về những chuyện ngày xưa? Về nàng, về tôi, về cái thị xã đầy bụi than ngày đó.
“Mày đã lấy vợ rồi hả Mạnh?” Thằng Hoà hỏi tôi khi nhìn thấy tôi mân mê chiếc nhẫn. Tôi đã mở lời chào nó trước, và chúng tôi nhắc lại chuyện xưa như đó là một nghi lễ phải làm. Cả hai đã có thể cởi mở mà nói về những trận đòn hồi đó nó dành cho tôi. Thằng Hoà còn xin lỗi tôi về sự ngông cuồng của nó nữa, tôi bảo tôi không trách nó một phút giây nào. Tôi không thể ghét bỏ nó mỗi khi nhìn thấy ánh mắt cô đơn và thiếu tự tin của nó.
“Mày cũng lấy vợ rồi.” Tôi đáp.
Hoà cười, hỏi tiếp: “Mày có đứa nào chưa?”
Tôi gật đầu, mở hình đứa con trai trong điện thoại của mình lên cho nó xem: “Thằng bé tên ở nhà là Cá. Nó rất ngoan.”
“Tao thì mới lấy vợ thôi. Bọn tao định kế hoạch vài năm nữa.”
“Con cái hãy đợi lúc sẵn sàng.”
“Mày có sợ không?” Hoà hỏi. “Sợ làm bố ấy.”
Tôi bật cười, đột nhiên cảm thấy rất tự tin: “Khi con mày chào đời, mày sẽ thấy không có nỗi sợ nào cả. Mày sẽ làm mọi thứ vì con mày.”
Thằng Hoà rơi vào trầm tư, tôi không biết nó nghĩ gì, đoàn tàu xình xịch đi tới đâu rồi tôi cũng không biết nữa, chỉ thấy hai bên là sông nước mênh mông.
…
Bố tôi đập bàn giận dữ, các ngón tay co lại thành một nắm đấm. Bố mẹ đã biết chuyện nàng qua lại với thằng Hoà, ông bà tức giận nhiều lắm. Đặc biệt là bố tôi, ông lo sợ thằng Hoà sẽ làm hại đời nàng, sẽ làm cho nàng có thai, sẽ khiến cho gia đình ông phải xấu mặt với làng xóm.
Giọng ông gằn lên: “Nếu mày còn qua lại với nó, tao sẽ cạo đầu bôi vôi mày.”
Tôi ở trên nhà và có nghe thấy tiếng của bố gầm lên. Ngay sau đó, là tiếng của nàng lạnh lùng đáp lại: “Nhưng ông không phải là bố của tôi.”
Tiếp đến là những tiếng đồ đạc bị đập hoặc vô tình bị xô đổ. Bố tôi không bao giờ kiềm chế được tính bạo lực của ông mỗi khi tức giận. Tôi không biết, lúc đó tôi ở trên phòng, cố gắng nghe nhạc để đưa bản thân ra khỏi thế giới này. Nhưng tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng nói của họ, tôi không tài nào chạy thoát nổi.
Mẹ kế tôi khóc hết nước mắt, bà không dám xen ngang cơn giận của bố tôi, nên chỉ có thể van xin nàng đừng nói những điều dại dột. Khi mà nàng nói rằng người đàn ông trước mặt không phải bố đẻ của nàng, bà như sụp đổ. Bà nhận ra rằng bà đã gây ra một sai lầm tai hại, bà nghĩ con gái bà sẽ sớm chấp nhận, sẽ thông cảm với những niềm tin của một người phụ nữ không thể chống chọi lại số phận là bà. Song bà đã nhầm, nó chẳng bao giờ bỏ qua điều đó. Nó chỉ tạm thời im lặng, cho đến khi nó chẳng bao giờ im lặng được nữa.
Có lẽ nàng đã bị đánh, bạt tai hay gì đó. Tiếng vang lơn của mẹ kế càng ngày càng lớn dần. Tôi ôm lấy đầu mình, cố không để những âm thanh này lọt vào trí óc mình. Tại sao nàng lại đến đây và gây ra tất cả những chuyện này? Tôi thấy bực bội nhưng sâu thẳm trong tôi là sự xót xa.
Giựt tai nghe ra, tôi lầm lì xuống cầu thang. Trước mắt tôi là một cảnh tượng đổ vỡ và rạn nứt. Tôi thấy nàng ráo hoảnh trong một bộ váy trắng, chiếc váy gần giống năm mười ba tuổi nàng bước qua cánh cửa nhà tôi. Bố thì ngồi trên ghế, buông những tiếng thở nặng nhọc với đôi mắt vằn vện tia máu. Mẹ kế thì sụt sịt thu dọn tàn tích, bà chẳng thể nói được gì, ngay cả trách mắng đứa con của mình. Bà chỉ có thể tội nghiệp chính bản thân mình khi đã mang những nỗi niềm nhọc nhằn rằng phải nuôi con, phải sống, phải dựa vào một người đàn ông để vượt qua số kiếp này. Tôi đã biết rằng cái gọi là mảnh ghép vốn là điều nực cười, bởi mảnh ghép của mỗi chúng ta chỉ có một. Như trò chơi xếp hình, để chắp nối lại thành một khối, chỉ có một mảnh mà thôi, mảnh đó mất thì mảnh kia sẽ bị mất kết nối mãi mãi.
“Mày xuống đây làm gì? Sao mày không dạy bảo em của mày?” Bố trách mắng sang tôi.
“Con không phải anh trai ruột của nó.” Tôi nhìn bố, rồi kéo tay nàng ra khỏi nhà.
Tôi còn nghe tiếng bố chửi mắng đằng sau, nhưng rồi nó tan biến vào những cơn gió man mát thổi qua tai chúng tôi rất nhanh.
Trên đường đi, tôi hỏi nàng rằng: “Có bao giờ mày coi nơi này là quê hương của mày chưa?”
Nàng đáp: “Không, em không thể thôi nhớ về những con đường đầy mùi phân gia súc, không thể thôi nhớ về vị bùi bùi của lúa non, không thể thôi nhớ cái giọng Thái Bình đặc trưng huyên náo vào mỗi phiên chợ, và những cái chiều em cùng bố ra biển.”
“Mày có muốn về không?”
“Mỗi ngày em lại thấy tuyệt vọng đi một chút. Bởi quê hương đã chẳng còn ai cả, sự hoang giá ấy làm em không bao giờ muốn về nữa.”
Được một đoạn, tôi buông tay nàng ra và cứ thế bước lên trước, nàng đuổi theo sau, chúng tôi chìm vào im lặng. Tôi kéo nàng ra đây, một phần vì không để bố và mẹ kế phải chịu tổn thương từ nàng thêm nữa. Mọi cuộc chiến đều cần phải có hoà giải, nếu không, nó sẽ gây ra những hậu quả đau thương. Tôi biết sức mạnh công phá của nàng, cái kiểu lạnh lùng của nàng, tàn nhẫn của nàng sẽ chỉ khiến cho mọi người thêm đau khổ. Nếu không hiểu nàng, sẽ dễ dàng bị nàng đánh gục. Nhưng tôi chỉ có thể hiểu một phần nhỏ trong nàng, vũ trụ của nàng là hơi thở, là mạng sống, tôi không thể nào ôm trọn tất cả.
Từ khi chúng tôi gần như cắt đứt, tôi đã không còn suy nghĩ quá nhiều về nàng nữa. Tôi mười tám tuổi, chuẩn bị rời khỏi nơi này, nàng mười lăm tuổi, cũng sẽ phải chuẩn bị xa tôi. Có những đêm ngủ, tôi chẳng thể nào thôi nghĩ đến những thành phố xô bồ. Tiếng còi xe và huyên náo ở trong óc của tôi, làm tôi chẳng thể chợp mắt. Khi chuyện gì đó sắp xảy ra, ít nhiều người ta sẽ có những cảm nhận rất chân thực về nó. Tôi nghe thấy những mùi vị của xa cách ở nơi đây, dường như tôi sắp sửa không thuộc về nơi này nữa.
Nàng hỏi: “Tại sao anh lại kéo em ra đây?”
Tôi quay lại, phớt lờ câu hỏi của nàng mà hỏi một câu khác: “Mày có đói không?”
Nàng gật đầu.
“Đi theo tao, tao mời mày ăn một đĩa cơm.”
Tôi dẫn nàng vào hàng cơm bình dân, gọi một đĩa thịt luộc, một đĩa sườn xào chua ngọt, một bát canh, một ít dưa muối và một âu cơm. Quán ăn toàn những công nhân xây dựng hoặc những người lao động khác, họ chen nhau chật kín trong quán, nói chuyện ồn ào, mùi mồ hôi len lỏi trong không khí, lẫn vào cả cơm canh. Bà chủ quán vừa đứng quát tháo nhân viên, lại vừa đon đả với khách hàng. Khuôn mặt của bà ta biến đổi linh hoạt, dường như nó đã được cài chế độ như vậy. Mặt bàn bóng dầu được nàng lau rất tỉ mẩn và sạch sẽ, sau đó nàng so đũa cho tôi, xới cơm cho cả hai.
Chúng tôi ăn cơm trong yên lặng, vì lúc này có nói gì cũng không thể nào vào tai được. Mọi thứ như một nồi cám lợn hổ lốn, không biết ai với ai, không biết chuyện gì với chuyện gì. Nó được trộn vào nhau bởi những cơn đói, những câu chuyện vô thưởng vô phạt, những âm thanh quát tháo, cười đùa. Có lẽ là do tuổi trẻ nên chúng tôi không bỏ thừa một chút cơm canh nào. Nàng đưa giấy cho tôi lau miệng, sau đó đứng dậy đi ra ngoài.
Khi tôi trả tiền cho bà chủ quán, bà ta nhìn tôi bằng một vẻ như đã từng trải rồi nói: “Bỏ nhà đi cùng nhau đúng không?”
Tôi gật đầu, đúng là chúng tôi đang bỏ nhà đi.
“Tuổi trẻ, tuổi trẻ.”
Tôi không đáp lại mà quay người rời đi. Cái tuổi trẻ mà bà nói có lẽ là sự ngông cuồng, một cách rất ẩn dụ. Trong hai chữ Tuổi Trẻ ấy, lại đầy những giễu cợt và xem thường. Tôi biết rằng không người lớn nào lại cho rằng những việc chúng tôi đang làm là đúng đắn. Dù vậy, giống như họ đã từng trải, thì chúng tôi cũng nhất định phải va vào.
Sự tổn thương nhiều khi nảy mầm từ một sự quan tâm nào đó. Nàng không hề hay biết, tôi đưa nàng đến trước nhà của thằng Hoà. Khi tôi bấm chuông, nàng vẫn im lặng và để tôi làm điều đó. Tôi thường cho rằng nàng cố chấp, nhưng tôi không nhận ra bản thân lại cố chấp hơn nàng rất nhiều. Thằng Hoà bất ngờ khi trước cổng nhà là hai chúng tôi, nó nhìn vào bên trong đầy đề phòng rồi bước đến.
“Nó bị bố đánh, bố tao biết mày với nó đang quen nhau.”
Thằng Hoà hếch mặt lên hỏi lại tôi: “Thì sao chứ?”
Tôi nhìn nàng, khuôn mặt nàng có một chút hả hê, giống như là giễu cợt về hành động này của tôi. Tôi kéo nàng đến sát cổng hơn, nói: “Chăm sóc cho nó.”
Thằng Hoà nhìn nàng, nó mở cổng bước ra. “Bị đánh ra sao?”
Nàng không trả lời, thằng Hoà cũng không kiên nhẫn được mà nhìn qua tôi. Nó lấy từ trong túi ra mấy đồng một trăm ngàn, dúi vào tay tôi và bảo: “Đưa Nguyệt đi, đừng để bố mẹ tao nhìn thấy.”
“Sau này mày đừng quen nó nữa.” Tôi không nhận tiền, giọng cao hơn bình thường.
“Chuyện của bọn tao, mày không hiểu được.” Thằng Hoà cố nói nhỏ, tôi chưa bao giờ thấy nó lại đầy sự đề phòng như vậy. Ngay trong ngôi nhà của nó hay sao?
“Đi thôi!” Nàng kéo tay tôi, đồng thời nhận những đồng tiền của thằng Hoà. “Em với anh ta sẽ không gặp nhau nữa, nếu anh muốn thế.”
Tôi không hiểu về mối quan hệ của thằng Hoà và nàng, lại càng không hiểu được thái độ của họ. Quay lại cố nhìn biểu cảm của thằng Hoà, tôi giữ cánh tay nàng đang kéo tôi đi, hỏi: “Sao thế? Mày với nó không yêu nhau thật à?”
Nàng cười ủ ê, đôi mắt như vực sâu vô tận: “Mạnh, em không yêu ai cả.”
“Tại sao mày không giải thích với bố?”
“Vì em không có nghĩa vụ phải làm ông ta hài lòng.”
“Ông ấy yêu quý mày.”
“Em thì không!”
Sự thẳng thắn của nàng khiến tôi khó chịu, tôi hất tay nàng ra và bỏ đi. Tất nhiên rồi, giữa nàng và bố đẻ của mình thì tôi vẫn sẽ chọn bố. Tôi không thích ông không có nghĩa là tôi cho phép bất kỳ ai được coi thường ông.
Nàng chạy đến, chắn trước mặt tôi, cố gắng giải thích: “Chúng ta không thể đón nhận một ai đó chỉ vì họ yêu quý chúng ta. Mạnh, một ngày nào đó chúng ta sẽ rời khỏi đây. Em không muốn làm dượng buồn, nhưng em không thể nào chấp nhận được chuyện ông ấy là bố của em. Em sẽ không phải giải thích gì với ông ấy, vì em không cảm thấy tổn thương khi ông ấy hiểu lầm.”
Chúng tôi ngầm đồng ý với nhau không nhất thiết phải gồng mình lên để trở thành một người con tốt hay cố gắng coi bố mẹ người kia là bố mẹ của mình. Nàng chẳng bao giờ xin lỗi bố tôi về chuyện của thằng Hoà, dù cho ai cũng đồn đại nàng đã ngủ với nó rồi. Tôi cũng không cố gắng bênh vực nàng mỗi lần bị bố hoặc mẹ kế trách mắng, bởi vì tôi biết nàng sẽ không bao giờ muốn thay đổi suy nghĩ của ai cả.
Trong bữa cơm im lặng, bố và mẹ kế nhìn nhau nhiều lần, rồi lại nhìn nàng. Cứ như thế diễn ra hằng ngày, gia đình chúng tôi không thể tìm thấy tiếng nói nào ở nơi nhau. Nhiều khi bố tôi đã cố gắng rằng: “Ngày mai chúng ta đi dã ngoại một chuyến nhé?” Thì cả tôi và nàng sẽ đều từ chối. Sau đó ông sẽ bực bội dằn mạnh bát cơm xuống, bỏ đi hút thuốc hoặc bỏ vào trong phòng và để mọi người nghe thấy những tiếng chửi bới.
Bố tôi bắt tôi rằng phải trông chừng nàng, đừng để nàng gần bất cứ bạn trai nào. Tôi vâng dạ để ông yên lòng. Nhiều khi ông lại trở thành một kẻ yếu đuối, trong đêm uống rượu một mình. Khi thấy tôi xuống uống nước, ông sẽ vẫy tay lại và run rẩy hỏi: “Con có ghét bố không?”
“Không ạ.” Đó luôn luôn là câu trả lời của tôi.
“Bố luôn muốn là một người bố tốt nhất có thể của các con. Bố càng muốn chạm đến, các con lại càng muốn rời xa. Có phải bố đã làm sai gì không?”
“Không, bố chỉ cố làm những việc của một người bố thôi.”
Bố tôi cười buồn: “Vậy có phải các con không muốn làm những việc của một người con?”
Tôi ngồi xuống cạnh bố, đóng nắp chai rượu lại và trả lời ông rất thật lòng: “Việc của cha mẹ là yêu thương, bảo vệ, chăm lo cho con cái. Việc của con cái là thay đổi theo từng thời kỳ, lúc đón nhận, lúc lại từ chối. Từ chối là để bố mẹ cảm thấy yên lòng rằng chúng con đã lớn rồi.”
“Nhưng các con chưa bao giờ lớn cả.”
“Đúng thế. Nhưng làm sao để những đứa trẻ hiểu rằng chúng chưa hề lớn chứ?”
“Con còn nhớ ngày sinh nhật cuối cùng của mẹ không?”
Tôi luôn biết bố đã phong kín quá khứ lại, bởi vậy nên khi ông nhắc về mẹ khiến tôi bất ngờ và xúc động. Tôi còn nghĩ ông đã quên bà rồi. “Con nhớ rất rõ. Con và bố đã đi mua một chiếc bánh kem cho mẹ, cả hai đều không biết đặt lời chúc là gì nên đã chỉ ghi câu chúc mừng sinh nhật đơn giản lên đó.”
“Vậy con nhớ mẹ đã ước gì vào ngày sinh nhật đó không?”
“Con không. Mẹ không nói với con.”
“Mẹ mong chúng ta hạnh phúc.”
Tôi im lặng, bố nói tiếp: “Sau này khi các con có gia đình, Mạnh, con sẽ có những đứa con, và con sẽ nuôi dạy chúng làm sao để chúng luôn cảm thấy hạnh phúc. Nhưng chúng không hiểu được, và chúng sẽ làm con nghi ngờ về khả năng làm bố làm mẹ của mình. Con sẽ có những câu hỏi giống như bố thôi: Rằng mình có làm sai ở đâu không?”
…
Lúc tôi gặp thằng Hoà ở trường, nó có hỏi thăm nàng và nói tôi chuyển đến lời xin lỗi với nàng. Thằng Hoà đã có bạn gái mới, một cô nàng nóng bỏng cùng tuổi, nhưng trông sáo rỗng. Sau đó tôi mới biết rằng nàng và thằng Hoà đã kết thúc từ cái đêm mưa hôm đó. Hai người chỉ là bạn bè mà thôi.
“Để em nói cho anh biết, một con bé mười lăm tuổi thì hiểu gì về yêu với đương chứ? Em chỉ muốn có bạn thôi.”
Tôi cúi đầu, lòng bỗng nhiên động đậy. Một cái gì đó nồng lên, khiến mũi tôi cay cay.
“Sau này tao sẽ làm bạn của mày.” Tôi hùng hồn tuyên bố.
Sự cô đơn, tuyệt vọng của một con bé nhà quê ở nơi đất khách quê người, ở một gia đình xa lạ này là gì? Một ai đó có thể đồng điệu với nó về cảm xúc. Mẹ nàng sẽ không bao giờ ôm được nàng vào lòng nữa, bà ấy cũng sẽ không bao giờ hiểu được nàng. Dù nàng yêu bà vô hạn. Sự lựa chọn của bà đã đẩy nàng đi xa, nàng cố gắng chạy về nhưng càng chạy lại càng thấy bản thân tơi bời những lỗ hổng. Nàng đã trải qua mất mát, chia tay, chết chóc khi còn quá trẻ. Sự bất thình lình ấy làm cho nàng tự hỏi nhiều điều về thế giới, đặc biệt là hơi ấm con người.
Nàng vui mừng gật đầu. Có lẽ một đứa trẻ trước khi hiểu mình đã lớn, thì cần hiểu rằng chúng phải biết yêu thương. Trước khi tôi trưởng thành, tôi đã nghĩ tôi phải bảo vệ nàng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét