Cuồn Cuộn Dĩ Vãng - (Hồi 5)
Không phải là chuyện gì quá to tát, tôi đã cho là như vậy sau khi nàng hứa. Cả hai chúng tôi vẫn là những đứa trẻ, tự cho rằng mình mang suy nghĩ của người lớn và tự cảm thấy mình có quyền quyết định tất cả. Bởi vậy nên chúng tôi mới luôn đổ tại số phận đã an bài, mà không bao giờ chịu nhận những lỗi lầm do mình gây ra ở thời quá khứ.
Nàng không bao giờ nói những điều quá mờ ám trước mặt tôi nữa. Như một con nhím thu mình lại, nàng tỏ ra mình là một người em gái và chỉ có vậy. Tôi không rõ mối quan hệ giữa anh trai và em gái trong những gia đình khác được thể hiện như thế nào, nhưng tôi và nàng thì lạnh nhạt. Chúng tôi chỉ nói chuyện với nhau khi thực sự cần, và chỉ nhìn nhau trong một hoàn cảnh thực tế, có chủ đích chứ chẳng phải vô tình lãng đãng gì.
Năm mười bảy tuổi, tôi bắt đầu xin làm thêm cho một tiệm bánh ngọt và kem trong thị xã, đây là quán bánh nổi tiếng nhất và trả lương cho nhân viên cao nhất ở đây. Tôi chọn làm thêm vào buổi tối, vì lúc đó tôi mới rảnh được. Tan làm về tôi cũng không học hành gì sất, cứ thay quần áo và trèo lên giường ngủ, sáng hôm sau lại lặp lại như thế. Tôi không có gì ở tương lai cả, tôi thấy mình là kẻ không màu ở đó. Tôi không có mục đích, cũng không có ý chí. Tôi chỉ sống vì thực tại tôi phải sống.
Những suy nghĩ của tôi về nàng ngày một phức tạp dần, bởi vì chúng tôi không có thứ ngôn ngữ chung nào cả. Tôi thường đoán nàng qua những hành động trôi trước mắt, rồi nhét nàng trở lại những sửng sốt ghé đến khi tôi thấy nàng đáp ánh nhìn vào mình. Bố tôi luôn hỏi chúng tôi rằng tại sao lại không thể thân thiết? Chúng tôi đã có một khoảng thời gian chung sống với nhau thế kia mà? Nhưng tôi chỉ đáp rằng bởi vì tôi đã lớn, mối quan tâm của tôi nằm ở những thứ khác.
Bố và mẹ kế đã ở một thế giới của người lớn, thật khó để có thể thấu hiểu những đứa con của mình khi ở một thế giới bên ngoài thế giới của chúng. Bố tôi cho rằng vì tôi là con của ông nên ông có quyền giáng tất cả những quyết định ở ông lên tôi, bởi vì tôi là con của ông nên tôi là một phần của ông. Ông hiểu tôi như hiểu một bài hát mà ông thuộc làu. Ông có thể ngắt nhịp nó ở đâu, rồi lại hát tiếp ở một thời điểm khác. Cái ý nghĩ đó của ông làm tôi phát điên, nhiều khi còn ghét ông, nhưng ông là bố của tôi.
Tôi không quá cay nghiệt với bố mình, tôi chỉ không thân với ông. Từ khi mẹ mất và mẹ kế đến, điều đó càng rõ rệt hơn. Chúng tôi như hai vật thể trôi trên sông, bị dòng nước cuốn đi và không bao giờ có thể chạm vào nhau nữa. Tôi thường nghĩ đến một kết cuộc cho chính mình tại đây, rằng tôi sẽ ra đi. Tôi chỉ cần đi thật xa, kiếm việc làm, hằng tháng gửi tiền về là xong. Như vậy tôi sẽ không gặp lại bố nữa. Khi bố đến với mẹ kế, ông cũng có vẻ muốn điều đó!
Một ham muốn viết lách len vào trong từng nhịp sống của tôi, nó đến bất chợt hoặc là đã đến từ lâu và lặng lẽ ở đó mà tôi không nhận ra. Tôi thường nghĩ về những câu chuyện đơn giản, không đầu không cuối. Chỉ là một tình huống bộc phát ra, và nó sẽ để lại một kết cuộc.
Tôi bắt đầu viết truyện ngắn đầu tiên vào giữa năm lớp mười một, một kiểu truyện ba xu rất nhảm nhí. Khi tôi nghe nhạc Trường Vũ xong, tôi đã muốn viết một câu chuyện buồn. Phải là một câu chuyện buồn, đôi lứa không đến được với nhau. Tôi luôn có cảm xúc mãnh liệt với những nỗi buồn của con người. Dường như nó quyến rũ tôi, cuốn đời tôi vào nó. Những vòng xoáy ấy hoạt động không ngừng, hất tung hết thảy những niềm vui đến gần. Không ai có thể hiểu được tại sao cuộc đời mình lại chỉ toàn những nỗi buồn như vậy. Chúng chọn người để trú ngụ, để khuếch trương sức mạnh. Nhưng không phải để dìm cho họ chết. Có lẽ nó muốn người đó sống và cảm nhận.
Tôi không đưa truyện của mình cho ai đọc, một phần vì xấu hổ, một phần vì tôi chỉ biết tôi viết ra để đó. Tôi không có ý định sẽ trở thành một nhà văn hay tác giả. Lúc rảnh rỗi tôi đã làm rất nhiều chuyện, và viết chỉ là một trong số đó mà thôi.
“Dạo này cậu đang yêu à?” Cô bạn cùng bàn chợt nhiên hỏi. Sau những ngày dài không bắt chuyện, cuối cùng cô đã chủ động hỏi tôi.
Tôi lắc đầu nguây nguẩy: “Không, mình yêu ai được chứ.”
Đôi mắt của cô rõ ràng là muốn tố cáo tôi, nhưng tôi vẫn sẽ im lặng về đoạn tin nhắn mà tôi đã gửi cho cô vào cái đêm mưa hôm đó. Tôi biết cô cũng cảm thấy khó xử, và đó là một sai lầm tai hại. Tôi luôn tỏ ra cẩn trọng trước các mối quan hệ, bởi vậy nên tôi không có nổi một mống bạn. Nhưng cái sự cô đơn ấy làm tôi thấy thoải mái, và tôi cũng không cần quá lo sợ tôi sẽ làm tổn thương ai hay một ngày nào đó, họ sẽ bỏ tôi mà đi.
“Tại sao cậu lại nghĩ cậu không thể yêu?” Xuân hỏi. Cô ấy luôn muốn xoáy sâu vào vấn đề.
“Tớ không biết. Tớ không có cảm giác.”
“Tình yêu ở tuổi này có được coi là tình yêu không?”
“Tớ nghĩ tình yêu ở khắp mọi thời điểm.”
“Câu trả lời hay đấy.”
Nụ cười của Xuân như cánh hoa bung nở. Cô ấy có nét đẹp của riêng mình, cô ấy sẽ có được những hạnh phúc mà mình mong muốn. Nhưng tôi không biết rằng, cả cuộc đời của tôi, điều tệ hại nhất chính là suy đoán về người khác.
Tôi chưa bao giờ biết được con người thật của Xuân, tôi coi cô là bạn cùng bàn không hơn không kém. Tôi chỉ biết Xuân rất thích để tóc ngắn, học tốt môn sinh học và luôn được lòng mọi người trong lớp. Cô ấy ở cái vùng an toàn mà tôi biết mình sẽ không bao giờ chịu nổi nếu lạc vào đó. Tôi chẳng có cái vùng an toàn nào vì tôi luôn cảm thấy bất an. Một nỗi bất an đến từ cái chết của mẹ. Tôi không tin vào cái gọi là an toàn trong cuộc đời này. Nếu có, tại sao khi con người ta an toàn nhất lại có thể chết đi.
Đám bạn bè không còn để ý đến tôi kể từ lúc thằng Hoà không tìm đến. Nàng cũng đã nói rằng sẽ không nảy sinh bất cứ tình cảm gì với tôi. Tôi tạm cho là mình được yên ổn chứ không phải là an toàn.
“Tan học mời tớ đi ăn kem nhé?” Xuân đề nghị. Có lẽ cô ấy muốn làm hoà.
“Ừ, tớ đang làm thêm ở tiệm bánh Dung Anh, ở đó cũng có kem. Cậu có muốn đến đó không?”
“Cậu làm gì ở đó?”
“Thì phục vụ, thu ngân, và vài việc lặt vặt. Còn việc chế biến anh chủ đã làm rồi.”
“Nghe được đấy, tí nữa đi chung xe nhé.”
Khi trống trường đã điểm hồi dài, đám học sinh nhanh nhẹn ùa ra khỏi lớp học. Chúng nó không thể chịu nổi cái phòng học này thêm một phút giây nào nữa. Mấy đứa lớp bên trèo lên lưng nhau, cười đùa và trêu chọc. Trông chúng như chẳng có nổi suy nghĩ gì trong đầu. Nhiều khi tôi rất tò mò muốn biết, khi là chúng nó, tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ lê la mấy hàng quán net, sẽ tia xem đứa con gái nào xinh tươi để tán hay là bày trò hay ho nghịch ngợm để được bạn bè tung hê?!
“Cậu để xe trong trường hay ngoài trường đấy?”
“Bên ngoài, tớ hay đi học muộn mà.”
Xuân và tôi sang đường, cô ấy chờ tôi ở bên ngoài nhà gửi xe. Trên đầu cô đội một chiếc mũ lưỡi trai bằng vải bò, lưng đeo ba lô rất nặng. Tôi chưa bao giờ chở một người con gái khác ngoài nàng trên chiếc xe đạp này, điều ấy khiến tôi thấy bối rối.
Nhà gửi xe chỉ cách trường chừng hai trăm mét, ông bà chủ chỉ cần hằng ngày cho đám học sinh gửi nhờ chiếc sân cũng đủ tiền xây một chiếc biệt thự ba tầng. Rất nhiều học sinh trong trường đã được bố mẹ mua xe máy, bởi vậy nên những nhà gửi xe tư nhân này mới kiếm lợi được từ chúng nó.
Xuân không quá nặng, cô ấy không đạp chung với tôi. Chúng tôi đi ngược nhà tôi quá ba cây số nữa, chỉ để ăn một ly kem. Những chiếc xe tải đi ngược chiều vào buổi trưa như những con mãnh thú, ồn ào và hung hãn. Đám học sinh từ mấy ngôi trường khác đi đầy đường, ở thị xã này có khoảng năm, sáu ngôi trường cấp ba gì đó, nhưng trường tôi được coi là một trong những trường trọng điểm. Các bậc phụ huynh ở đây đều muốn con cái được vào đây học. Bố tôi thì lại càng thế, ông rất quan trọng chuyện này, ông tin rằng chỉ cần một môi trường giáo dục tốt, thì con cái của ông sẽ phát triển tốt.
Anh chủ trêu chọc khi thấy tôi dẫn Xuân vào: “Thằng này khá nhỉ, mới thế đã đem bạn gái đến đây giới thiệu rồi.”
“Không phải đâu, bạn cùng bàn thôi anh. Hôm nay em mời cô ấy.”
“Sao phải ngại, cứ nhận đi anh mời kem mà.”
Tôi gãi đầu, ái ngại nhìn Xuân: “Anh đừng trêu thế nữa kẻo họ không thích đâu.”
“Chú mày nhát như cáy ấy.”
Anh chủ quán cười cười, để tôi vào quầy kem và lấy ra hai ly. Một vị sữa chua và một socola. Tôi không biết Xuân sẽ ăn vị nào nên tôi nghĩ tôi sẽ để cô ăn cả hai. Trong lúc ấy, Xuân nhìn những chiếc bánh sắc màu trong tủ kính với vẻ thích thú, cô chạm tay lên tấm kính ấy như thể muốn chạm tay vào chúng. Đôi mắt cô sáng long lanh, môi nở một nụ cười khẽ.
“Cậu có muốn ăn bánh không?” Tôi hỏi.
Xuân lắc đầu: “Không, nhưng nhìn chúng xinh quá. Sau này tớ cũng muốn mở một tiệm bánh.”
“Sẽ vất vả lắm đấy.” Anh chủ quán nhắc nhở.
“Em nói vậy thôi, biết đâu sau này em chẳng còn nhớ được mong muốn ấy nữa.”
Câu nói ấy của Xuân khiến tôi phải suy nghĩ nhiều lắm, khi mà những điều hiện tại rất có thể sẽ trôi vào lãng quên. Khi mà những thứ đẹp đẽ như ngày hôm nay, ngày mai sẽ trở thành quá khứ và phai nhạt dần đi. Chúng ta sẽ vồ vập vào những điều gì mới ở thời tương lai, và bỏ lại những điều gì, làm sao có thể biết được. Chúng ta làm những điều vô tình mà chính chúng ta cũng không biết. Mọi thứ giống như đã được sắp đặt, nhưng thật ra, chỉ là chúng ta đã quên ngay cả khi chúng ta đang nhớ. Nỗi quên cứ diễn ra hàng ngày, nó làm ta không kịp trở tay để giữ lại.
“Trông cậu lúc nào cũng như trên mây trên gió ấy Mạnh.”
“Thế à?”
Xuân gật đầu: “Ừ, cậu giống con mèo nhà tớ. Nó lúc nào cũng lơ đãng, gọi còn chả thèm nhếch tai.”
Tôi cười: “Nếu được làm mèo cũng tốt chứ sao?”
“Thôi thôi tớ chẳng mơ mộng được như vậy. Tớ thích làm người, làm người vui mà.”
“Cậu suy nghĩ tích cực đấy.”
Xuân dừng ăn kem, nhìn thẳng vào mắt tôi: “Đừng nói cậu không muốn làm người nhé?”
“Không, tớ còn chẳng suy nghĩ đến vấn đề ấy. Tớ chỉ thấy làm người hay làm mèo cũng có cái hay riêng.”
“Thế này nhé, nếu làm mèo, cậu sẽ phải chịu sự chi phối của con người. May mắn cậu sẽ được yêu thương và phải suốt ngày cầu cạnh sự yêu thương đó, không may mắn thì cậu sẽ vào một quán tiểu hổ nào đó.”
“Cũng phải. Nhưng làm con người cũng phải chịu rất nhiều sự chi phối mà, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Của bố mẹ, của nhà trường, của xã hội. Sau này sẽ còn rất nhiều nữa. Gia đình nhỏ của cậu, nơi làm việc, các mối quan hệ xã giao…Cậu thậm chí còn phải cầu cạnh nhiều thứ khác chứ không phải là sự yêu thương.”
“Chỉ khi cậu đang ham muốn gì đó và cần đạt được. Chỉ khi cậu nghĩ bản thân không đủ sức cậu mới phải đi cầu cạnh người ta thôi.”
“Con người làm sao mà toàn năng được. Sẽ đến lúc cậu phải nhờ vả người khác đấy.”
Tôi cũng không hiểu sao tôi lại tranh luận với Xuân điều này, tôi cũng ít khi muốn nói ra quan điểm của mình cho người khác biết, nhưng hôm nay tôi không muốn thua cuộc. Có thể chúng ta không được chọn cách sinh ra là ai, nhưng chúng ta được quyền cho cách sống cho mình. Hoặc là đau khổ, hoặc là hạnh phúc, và lựa chọn ấy ảnh hưởng từ rất nhiều phía. Bởi chúng ta chịu ảnh hưởng và ảnh hưởng lại, nên mọi thứ mới đi đến kết cuộc này.
Xuân nhún vai, mái tóc ngắn của cô bay bay vì gió: “Mẹ tớ bảo mình phải trải qua mấy kiếp làm súc sinh mới được làm người đấy.”
“Cậu tin thế à?”
“Đương nhiên không.” Cô bật cười. Và tôi cũng cười theo cô.
Có thể nói, Xuân là bạn thân duy nhất của tôi ở thời điểm hiện tại. Cô ấy không giống như những người khác, cũng không bao giờ tỏ ra ghét bỏ tôi. Cô rất bình thường, đến mức tầm thường, nhưng điều ấy khiến tôi thấy an tâm khi cô tới gần. Ngày hôm ấy, tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ trân trọng cô, và sẽ giữ tình bạn này thật lâu. Ở cô có một cái gì đó vừa đủ khoảng cách lại vừa thiếu khoảng cách. Cô không muốn người ta tiếp cận mình, nhưng chính cô lại đi tiếp cận người khác.
“Em gái của cậu ấy, dạo này sao rồi?” Xuân hình như rất tò mò về nàng.
“Nó với thằng Hoà vẫn qua lại.”
“Trông thế mà lâu nhỉ? Tớ không nghĩ thằng Hoà chung tình thế đâu.”
“Thế cậu nghĩ em gái tớ chỉ là đứa choai choai bình thường à?” Tôi chỉ vào đầu mình và nói tiếp: “Nó là đứa có vấn đề đấy.”
Xuân ngậm cái thìa trong miệng một lúc, trông vẻ suy tư, rồi cô nói tiếp: “Vấn đề gì cơ?”
“Nó suy nghĩ khó hiểu lắm. Tình yêu với nó chẳng là gì cả, nó rõ ràng còn chưa hiểu về điều đó.”
“Nhưng chỉ là vấn đề nhận thức thôi, không thể là có vấn đề được.”
“Nhiều lắm, phải sống cùng với biết. Con bé đó có những suy nghĩ của riêng mình, mà người bình thường sẽ chọn nghĩ điều khác.”
“Cậu nói đúng. Mấy hôm tớ thấy nó bắt cậu đèo về mà rõ ràng trường nó gần nhà hơn.”
“Nó thích làm mấy điều không giống ai. Thi thoảng nó sẽ mở cửa và vào phòng tớ, nằm cạnh tớ mà chẳng nói gì. Cậu không biết chứ tớ phải khoá cửa suốt.”
“Sống cùng nó chắc mệt lắm.”
Tôi kéo khay giấy cho Xuân: “Không hẳn, chỉ là thi thoảng thôi. Ở nhà tớ với nó chẳng bao giờ nói chuyện. Mỗi đứa một chỗ, hầu như không ai phạm đến ai.”
“Thế mẹ nó là người thế nào? Có ghét cậu không?”
“Cô ấy hiền lắm. Có phần sợ tớ nữa.”
Xuân mở to mắt, ngạc nhiên: “Thế cơ à? Tớ tưởng mẹ kế thì sẽ ác lắm.”
“Cậu đọc truyện nhiều quá đấy.”
“Không, cái này là tớ đã thấy nhiều rồi. Bên họ nội nhà tớ cũng có một bà như thế, bà ấy lấy bác tớ xong lúc nào cũng đi nói xấu đứa con của bác ấy với người khác. Nói chung cũng nhiều chuyện lắm.”
“Có thể là mỗi nhà mỗi khác.”
Tôi để ý thấy trên khuôn mặt của Xuân lúc này là một khuôn mặt của tuổi mười bảy, nhưng lại chẳng nổi lên một chút rực rỡ nào. Mọi thứ cứ lãng đãng như mây trời, tựa như có thứ gì đó đang kìm hãm cô lại. Khuôn mặt của cô là khuôn mặt rất khó để nhớ nếu là lần đầu tiên gặp, một sự nhạt nhoà nhưng lại khiến người ta nhớ về sự nhạt nhoà ấy. Vẫn ấn tượng, chỉ là không rõ ràng khuôn mặt của cô.
“Tớ hỏi này nhé.” Xuân chống cằm. “Nếu như ngày mai cậu chết thì cậu ước gì lúc này?”
Tôi đáp nhanh: “Ước sống thêm một trăm năm nữa.”
“Sao cậu nhàm chán thế nhỉ?”
“Thì tớ muốn được sống mà.”
Xuân lườm tôi: “Vậy còn gì mà ý nghĩa nữa.”
“Để tạo ra được ý nghĩa cuộc đời, người ta phải sống đủ lâu đã bạn ạ.”
“Sao cậu không ước được yêu ai hay được ai yêu?”
“Nhưng tớ vẫn chết. Nếu vậy người kia sẽ đau khổ lắm.”
Xuân gật gù: “Cũng đúng. Tình yêu liên luỵ đến cả hai người, mệt nhỉ?”
“Thế nếu tớ không nói câu ấy, cậu muốn được yêu ai hả?”
Xuân nhìn xa xăm, những bụi nắng rơi chầm chậm lên tóc của cô qua ô cửa sổ bên cạnh: “Một người nào đó, bất ngờ đến. Tớ không biết nhưng tớ thích một tình yêu mà tớ không đoán trước được.”
Tôi và Xuân ngồi nói chuyện rất lâu, đến nỗi qua cả giờ cơm trưa rồi mà hai đứa vẫn chẳng có ý định về. Tôi ngạc nhiên khi thấy mình nói nhiều hơn bình thường, có lẽ là vì nỗi vui trước sự làm lành của Xuân. Cô ấy hỏi rất nhiều về gia đình tôi, nhưng tôi thì vẫn chẳng muốn khai thác thông tin gì về cô ấy. Tôi không thích chủ động chạm đến cái sự riêng tư của cô. Với tôi, Xuân là một người bạn, chơi với nhau không phải vì hoàn cảnh gia đình.
Tôi đưa Xuân về tận nhà, nhà cô ở ngay mặt đường phường Cẩm Trung, rất lớn, bán rượu và bánh kẹo ngoại. Có lẽ nhà cô có điều kiện.
“Sau này nếu tớ ngủ quên, tớ sẽ nhờ cậu đón tớ ở đây.” Xuân bảo.
“Ừ, được, tớ cũng tiện đường đi qua.”
Lúc chia tay cô vẫy chào tôi rồi đi vào nhà, bố cô ngồi ngoài cửa hỏi han gì đó và tôi thấy cô lắc đầu. Có lẽ là ông hỏi về tôi. Tôi chào ông, ông im lặng. Tua một vòng xe rồi tôi mới nhấn bàn đạp rời đi.
Những chuyện lúc đó tôi đã tin rằng tôi sẽ đủ sức giữ được lại mãi. Tôi và Xuân, tôi tin vào tình bạn giữa chúng tôi cứ thế mà kéo dài, bởi cuộc đời này tôi chẳng muốn kết thân với ai khác nữa.
Năm hai mươi tuổi, Xuân rời đến một đất nước xa lạ. Cô chết vào năm ba mươi lăm tuổi vì bị ung thư buồng trứng. Cô ấy chưa từng yêu ai, cũng chưa từng đáp lại tin nhắn của tôi. Tình yêu đối với cô hẳn là một thứ gì đó vĩ đại, hoặc là đáng sợ.
Rõ ràng Xuân chưa bao giờ ở trong cái vùng an toàn nào cả, cái đã hãm tia sáng rực rỡ của tuổi mười bảy của cô chính là cái chết. Sự chết chóc đã phủ trắng cả đời của cô. Mỗi lần nhớ về cô, tôi đều nhớ nụ cười như hoa bung nở và câu hỏi ấy:
“Tình yêu ở tuổi này có được coi là tình yêu không?”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét