Cuồn cuộn dĩ vãng (Hồi 7)
Ngày tốt nghiệp gần đến, tôi vẫn tiếp tục làm thêm ở quán bánh và viết truyện linh tinh thay vì vùi đầu vào học. Tôi nghĩ mình có thể học một trường Cao đẳng nào đó và rời khỏi nơi này, tôi không có định hướng gì lớn lao cho tương lai cả, chỉ là có được một cuộc sống mới thôi. Cái thời đó, tôi cho rằng mình đã có một quyết định đúng đắn, nhưng sau này, khi mà đứng trước những bài đăng tuyển dụng yêu cầu bằng cấp, chuyên môn thì tôi mới cảm thấy quyết định đó ngu xuẩn đến mức nào. Tuy nhiên, tôi đã không hối hận, phải tự nhận rằng bước chân ra khỏi thị xã đó đã khiến tôi tìm được chút ánh sáng cuộc đời.
Xuân quyết định sẽ thi vào trường Ngoại Ngữ chữ không phải là một ngôi trường về y dược nào đó như đã định. Cô ấy bảo rằng gia đình sẽ cho cô đi du học trong một, hai năm tới, việc bây giờ chỉ là trau dồi ngoại ngữ mà thôi. Như vậy, sau tốt nghiệp, chúng tôi đều sẽ rời bỏ nơi này. Chúng tôi sắp sửa bước qua một cánh cửa để tiến vào thế giới mới. Tất cả những điều ở hiện tại này rồi một lúc nào đó sẽ trở thành quá khứ, những con người đã hiện diện trước mắt tôi có thể sẽ trở thành những cố nhân, biết đâu sẽ chẳng còn gặp lại.
“Sao cậu không thi một trường viết văn nào đó?”
Khi Xuân hỏi câu đó tôi đã bâng khuâng nhiều, nhưng rồi sự hèn nhát trong tôi vẫn khiến tôi nhụt chí: “Không, tớ làm gì có năng khiếu ấy, tớ chỉ viết cho vui thôi.”
Sự thật thì tôi có tham gia vài diễn đàn viết truyện rồi, nhưng những truyện tôi post lên lại chẳng bao giờ được ai vào ngó ngàng gì cả. Tôi thấy có lượt views nhưng chắc họ chỉ vào đọc mấy dòng đầu rồi đi ra thôi, tôi cũng thường làm thế với mấy tác giả mà mình không thích.
Cất cục tẩy vào trong chiếc túi vải đựng bút của mình, Xuân bảo: “Lúc nào đưa truyện của cậu cho tớ đọc đi.”
“Thôi, có gì hay ho đâu chứ?”
“Tớ muốn đọc vì là cậu viết, chứ có phải là nó hay hay không đâu.”
“Nhưng tớ ngại lắm.”
“Trời đất, tớ sẽ không chê bai gì đâu.”
Tôi ậm ừ cho qua. Bởi tôi vẫn chưa đủ dũng khí để đưa cho một ai đó thân quen đọc truyện của mình viết cả. Những truyện tôi viết đa phần đều lấy một chút ít từ cuộc sống của mình, có truyện tôi viết về nàng, lại có truyện về Xuân, về thằng Hoà, về mẹ kế, về bố…nói chung, tôi không muốn những người đó đọc được truyện tôi viết. Nếu họ đọc được, họ sẽ thấy suy nghĩ của tôi. Điều ấy khiến tôi sợ hãi.
Lễ tốt nghiệp của trường chúng tôi không có gì quá hoành tráng, nhưng lại được coi là một buổi “thả rông” cho lũ lớp mười hai. Mấy ngày học cuối cùng, chúng tôi không cần phải chịu những phép tắc của nhà trường như là vào học đúng giờ, nghỉ học thì cần phải được bố mẹ xin phép, được nghịch điện thoại trong giờ, thay đổi chỗ ngồi, xếp lại bàn ghế…Tôi vốn không thích môi trường này, nhưng những ngày cuối này cũng khiến tôi cảm thấy có chút gì đó lưu luyến. Chiếc bàn của tôi vẫn ở dãy cuối, không bị xê dịch đi đâu cả. Tôi và Xuân lén dùng compa để khắc lên đó những lời “trăng trối” cho tuổi học trò.
Xuân viết: Giữ chỗ ngồi này giúp tôi, mười năm nữa tôi sẽ về lại.
Tôi thì viết: Đừng buồn khi bị mắc kẹt ở đây, bởi ngày cuối cùng sẽ đến mau thôi.
Đám bạn học của tôi cũng trở nên dễ mến hơn khi đứa thì đưa sổ cho tôi viết lưu bút, đứa thì nhờ tôi ký vào chiếc áo đã ngả màu cháo lòng của nó, đứa lại bảo tôi ra chụp ảnh cùng. Tôi chẳng hiểu được lòng dạ của bọn cùng lớp cho lắm, nhưng cũng đành phải làm theo chúng nó. Ít nhất thì biết đâu, trong đống kỷ niệm hổ lốn của chúng nó có một thằng bạn như tôi. Một thằng mà chúng từng bỏ quên trong lớp học, từng xem là trò vui mỗi khi nó bị đánh, từng cho rằng nó là một thằng thất bại.
Bố mẹ tôi cũng háo hức khi mà tôi sắp sửa bước vào kỳ thi cam go nhất cuộc đời, thi đại học. Bố tôi khuyên tôi nên chọn khối D thay vì khối C.
“Khối D thì sẽ có nhiều ngành học hơn với nhiều trường vừa điểm hơn con ạ! Nếu không đỗ trường này, con có thể xin nguyện vọng trường khác.” Bố bảo.
Tôi vốn không thiên về khối nào trong hai khối chết bầm đó, bởi vì tôi chỉ học được mỗi môn văn thôi, nhưng tôi thà chọn khối C còn hơn là khối D, vì môn tiếng Anh và toán của tôi ngu tiệt. Tôi không muốn nói ra làm bố buồn, một phần tôi chọn học khối D, song khi nộp nguyện vọng một tôi lại thi vào một trường khối C.
Cái chuyện thi đại học của lũ mười hai chúng tôi như thể là một chuyện động trời nào đó với mỗi gia đình có con em cùng tuổi, chúng tôi trở thành một đứa con được cưng nựng trong khoảng vài tháng trời. Vừa được tự do, lại vừa chịu áp lực. Tôi vẫn đi làm ở quán bánh, nhưng ngoài mặt thì nói với bố đi học ôn với bạn. Mà đúng là tôi đi học ôn thật. Khi quán không có gì làm, tôi vẫn bỏ sách sử ra đọc. Chỉ tiếc là không được vào đầu cho lắm.
Anh chủ quán cười trêu chọc: “Mày không đỗ thì về đây làm cho anh, sợ đếch gì?”
Tôi đáp: “Anh nuôi em thì em về chứ làm cho anh thì thôi.”
“Tao mà không lấy vợ thì tao chẳng vướng đâu.”
“Ôi thôi, anh lấy vợ rồi anh mới nói thế, chứ chưa lấy vợ thì lại chẳng đuổi em đi ngay.”
Anh ta cười hềnh hệch. Được biết, anh chủ quán là một du học sinh Pháp, nhưng mà sang đó kêu chán quá, chẳng học được gì ngoài làm bánh, làm kem nên đã đi về tự mở tiệm. Anh đã lấy vợ từ khoảng hai năm trước, và có đứa con. Đứa con ấy không may bị mắc bệnh tim bẩm sinh nên gia đình có bao nhiêu tiền đều dồn cho nó đi chữa. Nói chung tôi rất quý mến anh, bởi vì ngoài vẻ hay đùa của anh ra, thì trong anh là cả những lo toan, bộn bề, nỗi đau của một người cha có đứa con mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi không bao giờ đề cập đến chuyện đó với anh, bởi người ta không thích chạm vào những nỗi đau của nhau bao giờ. Thi thoảng tôi chỉ thấy anh nói chuyện phải nghỉ làm một hôm để đưa con lên viện, rồi là tháng này chậm lương vì tiền viện phí đang nhiều hơn dự tính…Tự nhiên lúc đó tôi bắt đầu thấy sợ. Sợ rằng một ngày nào đó mình đẻ đứa con ra và nó cũng phải chịu đau đớn như vậy. Tôi không kiên cường được như anh chủ quán, biết đâu tôi sẽ gục ngã trước cả con mình.
…
“Nếu được đi khỏi nơi đây, chắc anh cũng sẽ ít về nhà đúng không?” Nàng bỏ tai phone ra, quay sang nhìn tôi, hỏi. Lúc ấy chúng tôi đang ngồi vắt vẻo trên cửa sổ ngắm vầng trăng thượng tuần. Trong xóm mọi người đã ngủ hết cả, có vài nhà còn thức, những ánh đèn hắt qua khe của ô cửa sổ đóng kín.
Tôi nhìn lên ngôi sao Hôm mà đáp: “Tao sẽ về thăm nhà. Nhưng mày đừng có gây rối, nếu không thì tao sẽ không về đâu.”
Nàng bật cười, đẩy nhẹ vai tôi: “Anh làm như em là đứa hư lắm không bằng. Ngoài chuyện với Hoà ra, làm gì có chuyện gì khiến bố mẹ phật lòng nữa?”
“Mày và thằng Hoà còn gặp nhau chứ?”
Nàng lắc đầu: “Không, từ lúc có bạn gái mới thì Hoà không gặp em nữa.”
Tôi nhìn nàng, đột nhiên thấy thương hại: “Mày cũng biết thằng Hoà là đứa không thích nghiêm túc với ai.”
“Em cũng thế.”
“Đừng làm dì buồn nữa.” Tôi nói thật lòng. “Dì đã buồn lắm rồi, đừng khiến bà phiền muộn thêm.”
Nàng tắt nụ cười, nhìn theo ánh nhìn của tôi, nhưng tôi biết nàng không nhìn vào ngồi sao đang sáng cạnh vầng trăng đó: “Em không biết, mẹ em sẽ mãi buồn thế thôi. Không phải do em đâu.”
Tôi ngẩng đầu ngắm trăng, ánh sáng đơn lạnh toả khắp linh hồn tôi. Tôi không biết nỗi buồn của người lớn như thế nào, nhưng chắc nỗi buồn của mẹ kế sẽ giống như nỗi buồn của bố. Nỗi buồn về những đứa con mình sinh ra mà không thể hiểu được chúng có yêu thương mình như mình yêu thương chúng hay không. Khi tôi đi rồi, có thể nỗi buồn ấy trong bố sẽ rộng ra thêm nữa, nhưng tôi cũng không giúp gì được hơn. Tôi ở tuổi ấy chẳng giúp được ai cả, bởi tôi còn đang bận ngụp lặn trong những chênh vênh của mình.
“Hôm trước em có ra biển một mình, chỉ tiếc là đúng ngày biển cạn. Bùn đất trải mênh mông khiến nó trông thảm hại lắm.”
Nhíu mày lại, tôi hỏi nàng: “Mày ra đó làm gì?”
“Chúng ta đâu cần lý do gì lắm cho chuyện ra biển đâu.”
Tôi lo sợ những bất ổn sẽ làm tổn hại đến nàng, trước nay tôi không dám quá thân với nàng cũng vì điều đó. Nếu như để nàng có hy vọng, thì nàng sẽ phải đi đến tuyệt vọng. Liệu nàng có thể chống đỡ được với những tuyệt vọng ấy?!
“Sau này đợi tao về, tao sẽ đưa mày đi.”
Nàng chỉ cười mỉm mà không nói gì nữa, rồi bất ngờ dựa đầu lên vai tôi. Tôi không đẩy nàng ra, chắc cũng chẳng cần thiết phải làm điều đó nữa. Tôi sắp đi rồi.
“Tao xin lỗi vì những gì đã làm với mày, không phải vì tao ghét mày, chỉ là…ừm, cũng có một chút ghét bỏ nhưng đó là tâm lý bình thường thôi. Dù sao thì từ giờ tao sẽ không thế nữa, tao sẽ làm anh trai của mày, được chứ?”
Một làn gió thổi ngang qua chúng tôi, những lọn tóc của nàng bay bay. Đám sao trăng bắt đầu lẫn vào mây, có lẽ ngày mai sẽ mưa to. Tôi khẽ liếc mắt qua trông nàng, nàng chẳng biểu hiện gì, hình như cũng đang chìm vào cảnh đêm giống như tôi. Trong đầu tôi là những điệu nhạc vàng buồn thê lương, nhưng tôi không đến nỗi buồn như thế. Lúc này, tôi thấy lòng mình nhẹ đi phần nào.
…
Xuân mặc áo dài, trang điểm nhẹ nhàng với mái tóc ngắn cá tính đứng trước cổng trường đợi tôi. Lễ tốt nghiệp đã hết, đám học sinh ra về, nhưng lũ lớp mười hai vẫn xoắn xít lại chụp ảnh rồi bàn nhau cho buổi hẹn họp tối. Chúng tôi sẽ phải chia tay nhau lần cuối, và khóc thêm một lần nữa.
Cô đưa cho tôi một chai nước, giơ cái điện thoại Nokia nắp trượt ra nháy mắt: “Cậu chụp với mình một tấm nhé?”
Tôi đồng ý. Chúng tôi nhờ một người bạn không quen chụp cho mình, cả hai đều cười rất tươi như thể sẽ không bao giờ cười với nhau như vậy được nữa. Xuân khoác tay tôi, bàn tay cô lạnh buốt giữa trời mùa hè. Đột nhiên, tôi nghe thấy tiếng nấc nho nhỏ, khi quay sang thì cô đã oà khóc nức nở. Người bạn lạ mặt kia vẫn cố gắng chụp cho hết những khoảnh khắc này, có lẽ cô ta nghĩ đây mới là thứ đáng bắt lấy nhất.
“Cảm ơn cậu.” Tôi đưa tay ra, gật đầu cảm kích.
Cô ấy đưa lại điện thoại cho tôi rồi rời đi. Tôi đưa Xuân đến ghế đá, phải lấy giấy lau hết lớp nước mưa vừa rồi mới có thể ngồi xuống.
Để cho Xuân khóc hết tôi mới đưa khăn giấy cho cô rồi lại im lặng như thế. Hoa phượng tan tác khắp sân trường, những vũng nước tù đọng in vài cành phượng xơ xác. Sau một trận mưa, dường như không khí trở nên thanh tân hơn. Nắng bắt đầu xuyên qua những tán lá, nằm dài trên nền đất ướt. Đám học sinh nghịch ngợm cầm bóng nước ném nhau, tôi lo sợ chúng sẽ ném về phía mình nên định nói Xuân đi ra quán bánh Dung Anh.
“Cậu sẽ nhớ mình chứ?” Xuân hỏi.
“Tất nhiên rồi.”
“Không, cậu không thể chắc chắn được điều đó. Cậu đâu biết trước tương lai.”
Chẳng hiểu sao Xuân lại lo sợ điều này. Nếu như tôi quên Xuân thì hẳn cô ấy cũng không thấy quá buồn khi biết đầu đó đâu. Bởi cuộc sống của chúng tôi đã cách nhau quá xa rồi.
“Tớ hứa điều đó. Trừ khi số tớ quá đen bị mất trí nhớ hay bị Alzheimer gì đó, không thì có chết tớ cũng không quên cậu đâu.”
“Cậu phải cho tớ đọc truyện của cậu nữa.”
“Được.”
Mắt Xuân sáng lên: “Thật hả?”
Tôi gật đầu chắc nịch. Tôi có thể đưa cho cô đọc những mẩu truyện về một người mà cô không quen, bà hàng xóm của tôi chẳng hạn.
“Cậu không được cười đâu đấy.” Tôi nói.
“Tớ cười cậu cũng đâu có biết.”
“Ừ nhỉ!”
“Nhưng tớ sẽ nhớ mãi câu chuyện của cậu và cậu, tớ không biết rồi cuộc đời sẽ ra sao nữa.”
“Chúng ta sẽ không cô đơn vì người này luôn nhớ đến người kia.”
Xuân cất chiếc điện thoại vào trong túi, rồi đưa bàn tay ra và bảo: “Tạm biệt, chúc cậu thi đỗ nhé!”
Tôi bắt lấy, đáp: “Hẹn gặp lại nữa.”
Xuân nhìn tôi, là nhìn xoáy sâu vào tôi. Cô ấy không có vẻ gì là vui mừng hay buồn bã, chỉ một ánh nhìn khó đoán như vậy. Như thể cô biết được cuộc đời này rồi sẽ đi đến đâu, liệu tôi có thật sự đến chết mới quên cô hay không.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét